Chỉ số giá lương thực của FAO đo lường sự thay đổi hàng tháng đối với rổ ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường, đạt trung bình 116 điểm vào tháng trước so với mức 113,2 điểm vào tháng 1. FAO cũng cho biết, trong một tuyên bố rằng thu hoạch ngũ cốc trên toàn thế giới vẫn đạt mức kỷ lục hàng năm vào năm 2020, đồng thời cho biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng sẽ tăng hơn nữa trong năm nay.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã tăng 1,2% trong tháng 2. Trong số các loại ngũ cốc thô chính, giá lúa miến tăng mạnh nhất, tăng 17,4% so với tháng trước và tăng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc. FAO cho biết, giá ngô và gạo tăng trong khi giá xuất khẩu lúa mì vẫn ổn định. Giá đường tăng 6,4% trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung trong niên vụ 2020-2021 do sản lượng giảm ở các nước sản xuất chính và nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á. Chỉ số giá dầu thực vật tăng 6,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, với giá dầu cọ tăng trong tháng thứ 9, do lo ngại về tồn kho thấp ở các quốc gia xuất khẩu lớn. Giá sữa tăng 1,7%, trong khi chỉ số giá thịt tăng nhẹ 0,6%. FAO cho biết giá thịt lợn giảm do lượng mua từ Trung Quốc giảm trong bối cảnh cung vượt quá cầu và lượng lợn tồn kho tăng ở Đức do lệnh cấm xuất khẩu sang các thị trường châu Á.
FAO đã nâng dự báo cho mùa ngũ cốc năm 2020 lên 2,761 tỷ tấn từ ước tính 2,744 tỷ tấn được đưa ra vào tháng trước, tức là mức tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự điều chỉnh đó phản ánh sự gia tăng 7,5 triệu tấn trong ước tính sản lượng lúa mì thế giới, được thúc đẩy bởi dữ liệu chính thức được công bố gần đây từ Australia, Liên minh châu Âu, Kazakhstan và Nga. Dự báo sản lượng gạo toàn cầu cũng được nâng lên 2,6 triệu tấn so với tháng trước do dự báo sản lượng khả quan hơn từ Ấn Độ. FAO đã nâng dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu kết thúc vào năm 2021 thêm 9 triệu tấn lên 811 triệu tấn, tương đương mức giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dấu hiệu hiện tại cho thấy, sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ tăng nhẹ vào năm 2021. Trong khi phần lớn vụ lúa mì ở Bắc bán cầu vẫn “đang ngủ yên” và các nước Nam bán cầu vẫn chưa gieo trồng, dự báo sơ bộ của FAO về sản lượng lúa mì toàn cầu vào năm 2021 cho thấy mức tăng hàng năm thứ ba liên tiếp, lên 780 triệu tấn, một kỷ lục mới.