Cấm đấu thầu 3 năm
UBND huyện Long Thành vừa ban hành Quyết định số 797/QĐ-UBND, chính thức cấm Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Duy Tài tham gia hoạt động đấu thầu trong vòng 3 năm. Công ty này có trụ sở tại số 36, đường 768B, tổ 13, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nguyên nhân cấm thầu được xác định là do Công ty Duy Tài đã có hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 trong quá trình tham gia dự thầu Gói thầu số 21 (hàng hóa): Thiết bị điện, trạm biến áp và thiết bị xử lý nước thải thuộc dự án Hạ tầng Khu tái định cư tại xã Long Đức, huyện Long Thành.
![]() |
Trường hợp xử lý mạnh tay đối với Công ty Duy Tài không chỉ là một án phạt riêng lẻ, mà tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ thị trường đấu thầu (Ảnh minh họa) |
Theo kết quả xác minh, Công ty Duy Tài đã cố ý làm giả tài liệu minh chứng, cụ thể là các hóa đơn giá trị gia tăng xuất cho Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Thiên Phước, liên quan đến việc thanh toán hợp đồng xây lắp công trình dự án Nhà máy Điện Khu công nghiệp Phú Mỹ 3. Nhà chức trách cho biết, các hóa đơn này không trùng khớp với hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) mà nhà thầu đã nộp.
Hành vi gian lận này không chỉ khiến Công ty Duy Tài bị loại khỏi gói thầu mà còn kéo theo một lệnh cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tất cả các dự án, dự toán mua sắm sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Thành làm chủ đầu tư hoặc bên mời thầu. Lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 3 năm, kể từ ngày 11/3/2025.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Gói thầu số 21 có giá trị gần 18 tỷ đồng, được phê duyệt từ tháng 11/2024 và thu hút 6 nhà thầu tham dự. Trong đó, Công ty Duy Tài liên danh với Công ty Cổ phần Môi trường Mê Kông Xanh dự thầu nhưng bị chấm trượt do không đáp ứng tiêu chí về năng lực kinh nghiệm.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Việc bị loại khỏi một gói thầu không lớn có thể chưa phải là cú sốc, nhưng việc bị cấm thầu trong 3 năm lại là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Công ty Duy Tài nói chung hay cá nhân ông Hoàng Văn Thanh (SN 1984) - Chủ tịch Hội đồng quản trị nói riêng. Đáng tiếc hơn, cú vấp này đến đúng thời điểm doanh nghiệp đang trên đà mở rộng. Thành lập từ tháng 10/2016 với số vốn điều lệ chỉ 500 triệu đồng, đến năm 2021, doanh nghiệp đã tăng vốn gấp 10 lần lên 5 tỷ đồng, kéo theo doanh thu bứt phá lên 16,2 tỷ đồng, gấp ba lần năm 2020.
Thống kê từ Hệ thống đầu thầu quốc gia, Công ty Duy Tài lần đầu tiên tham gia hoạt động đấu thầu vào năm 2024, cũng chính là Gói thầu số 21 nêu trên. Vậy mà, thay vì tận dụng cơ hội một cách bài bản, đàng hoàng thì doanh nghiệp này lại chọn "con đường tắt" đầy rủi ro. Sự tắc trách, thiếu trung thực là hệ quả nhãn tiền cho lệnh cấm thầu kéo dài suốt 3 năm họ phải nhận.
Phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Văn Thanh để tìm hiểu thêm về vụ việc, tuy nhiên, ông chưa bắt máy...
Ở góc độ khách quan, trường hợp xử lý mạnh tay đối với Công ty Duy Tài không chỉ là một án phạt riêng lẻ, mà tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ thị trường đấu thầu. Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang siết chặt kỷ cương, làm minh bạch thị trường, hàng loạt nhà thầu gian lận, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm và bên mời thầu tiêu cực đều phải đối diện với những chế tài nghiêm khắc. Muốn tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường đấu thầu, nhà thầu không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường minh bạch, là tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực thực chất và cạnh tranh bằng thực lực. Mọi toan tính lách luật hay gian lận sớm muộn cũng sẽ bị nghiêm trị! |