Mới đây, Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh bàn giải pháp thực hiện xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là một dự án thành phần trong 4 dự án của đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt và là công trình trọng điểm, có tính chất đặc biệt quan trọng, nhằm mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc, nâng cao năng lực truyền tải Bắc-Trung. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ dự án phải hoàn thành vào tháng 6/2024.
Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu được đầu tư xây dựng với quy mô gồm 2 mạch đường dây 500kV với tổng chiều dài 225,5km đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trong đó đoạn tuyến đường dây trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài 140,79km và 1 trạm lặp quang trên tuyến đường dây được xây dựng tại địa bàn huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là địa phương có 290 vị trí cột đi qua đất rừng tự nhiên, trong đó có 39 vị trí cần phải điều chỉnh cục bộ theo yêu cầu của địa phương trong phạm vi hướng tuyến đã được địa phương thỏa thuận.
Hướng tuyến Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh thỏa thuận thống nhất tại văn bản số 3257/UBND-CN ngày 26/6/2023 về việc các nội dung liên quan đến dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Buổi làm việc giữa EVNNPT và Sở NN&PTNT Hà Tĩnh |
Để đảm bảo kế hoạch đóng điện công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện nay EVNNPT và các đơn vị liên quan trực thuộc đang khẩn trương tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại. EVNNPT kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh trên nguyên tắc giữ nguyên hướng tuyến, phối hợp các huyện liên quan rà soát, hạn chế ảnh hưởng hướng tuyến dự án đến quy hoạch địa phương.
EVNNPT đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn thiết kế dự án, đơn vị tư vấn chuyên ngành lâm nghiệp tính toán, kiểm tra, thiết kế móng trụ đảm bảo giải pháp kỹ thuật, khoảng cách an toàn theo quy định và tận dụng tối đa đường hiện hữu, giảm thiểu tối đa diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Đây là hướng tuyến tối ưu nhất, có chiều dài tuyến ngắn nhất, không đi qua rừng đặc dụng và hạn chế tối đa đi qua công trình dân dụng. Việc hướng tuyến đường dây đi qua rừng tự nhiên là không thể tránh khỏi, ngoài các giải pháp kỹ thuật hạn chế tối đa ảnh hưởng đến rừng tự nhiên thì cần phải chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên để xây dựng công trình. Vì vậy, dự án này bắt buộc phải thực hiện trên một phần diện tích rừng tự nhiên do không thể bố trí trên diện tích khác.
EVNNPT kiến nghị Chi cục kiểm lâm, Sở NN&PTNT xem xét hỗ trợ có văn bản tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét trình Bộ NN&PTNT hồ sơ xin chủ trương CMĐSDR dự án, đoạn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 09/9/2023 theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 4583/UBND-NL5 ngày 28/8/2023.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết đây là dự án trọng điểm cấp bách, được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy trong thời gian qua Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt để cùng tháo gỡ vướng mắc. Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cam kết sẽ hoàn thành sớm các thủ tục theo đề nghị của EVNNPT để trình UBND tỉnh xem xét và trình Bộ NN&PTNT để sớm hoàn thành chủ trương đầu tư của dự án.
Hiện, EVNNPT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giaotriển khai đầu tư 04 dự án nâng cao năng lực truyền tải Bắc – Trung, gồm: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, Nam Định 1 - Thanh Hoá và Nam Định 1 – Phố Nối.
Đến thời điểm này, 2 dự án thành phần gồm đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và ĐD 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hoá và đường dây 500kV Nam Định 1 – Phố Nối, EVNNPT đã trình bổ sung phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư do phải điều chỉnh tuyến theo yêu cầu của địa phương và cập nhật dự toán chi phí theo quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các Bộ ban ngành và UBND các tỉnh để thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án.