Nhu cầu phụ tải miền Bắc tăng cao
Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch HĐTV EVNNPC cho biết, bước vào năm 2022, trước tình hình diễn biến thời tiết dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng cực đoan gay gắt, tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự kiến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng đột biến.
Dự kiến công suất đỉnh (Pmax) năm 2022 của NPC có thể đạt 16.950 MW, tăng sấp xỉ 15% so với năm 2021.
Trong khi đó, việc huy động các nguồn điện gặp nhiều khó khăn như: Biến động giá nguyên vật liệu đầu vào như than, khí, dầu đã ảnh hưởng đến việc cung cấp nhiên liệu ổn định cho các tổ máy phát điện; Khu vực miền Bắc do bức xạ nhiệt không tốt nên các dự án điện mặt trời còn rất hạn chế; Công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, việc truyền tải điện năng từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc bị giới hạn do các đường dây 500 kV, 220 kV liên kết đều luôn vận hành đầy và quá tải gây nguy cơ mất an toàn hệ thống điện do khả năng xảy ra sự cố cao.
Tất cả các yếu tố trên có thể dẫn đến hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ xảy ra thiếu hụt công suất đỉnh vào các giờ cao điểm, đặc biệt vào những ngày nắng nóng gay gắt khoảng từ tháng 5 đến tháng 8/2022.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo EVNNPC khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cũng như phát triển hơn nữa các dịch vụ điện tiện ích cho hơn 10,86 triệu khách hàng tại 27 tỉnh/thành phố ở miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, mục đích tổ chức hội nghị "EVNNPC đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện" nhằm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, bàn bạc cụ thể hơn, đưa ra các giải pháp, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhằm mục đích để Tổng công ty có thể cung cấp dịch vụ điện tốt nhất, đầy đủ nhất đến các Quý khách hàng cũng như việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của địa phương.
Nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng
Lường trước những khó khăn nêu trên, ngay từ năm 2021 và đầu năm 2022, EVNNPC đã triển khai 3 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng từ công tác chỉ đạo, điều hành đến đầu tư xây dựng và các giải pháp kỹ thuật.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, về chỉ đạo - điều hành, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo cung cấp điện từ cấp Tổng công ty đến công ty giai đoạn đến 2025, trong đó yêu cầu các đơn vị bám sát nhu cầu của địa phương để xây dựng các phương án cung cấp điện có tính đến yếu tố thời tiết cực đoan mùa nắng nóng. Chỉ đạo các công ty điện lực tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các khiếm khuyết đường dây; Hoàn thành công tác sửa chữa cải tạo lưới điện, chống quá tải trước thời điểm nắng nóng (15/4/2022); Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành, chuẩn bị các phương án, kịch bản, điều kiện cần thiết để xử lý nhanh các sự cố nếu có…
Tổng công ty cũng tăng cườn phối hợp với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia để tính toán tối đa công suất khả dụng, cân bằng cung cầu điện cho miền Bắc, đặc biệt vào mùa cao điểm nắng nóng năm 2022.
Về đầu tư xây dựng, một mặt EVNNPC báo cáo, kiến nghị EVN đẩy nhanh tiến độ các dự án về các nguồn điện, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào để tăng khả năng nguồn cung cấp, đóng điện các dự án truyền tải điện để đảm bảo tốt nhất việc cung ứng điện cho miền Bắc. Mặt khác, Tổng công ty chủ động giao sớm kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình lưới điện các loại đảm bảo đóng điện trước 15/4; phối hợp với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia thực hiện đầu tư xây dựng các đường dây 500/200kV đồng bộ với lưới điện 110kV của EVNNPC nhằm tăng năng lực hệ thống điện.
Báo cáo của EVNNPC cho thấy, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại các địa phương, nhưng EVNNPC đã đóng điện đưa vào vận hành 86/81 dự án đạt 106,6% kế hoạch do EVN giao. Trong 03 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty đã đóng điện 05/79 dự án theo kế hoạch EVN giao.
EVNNPC tăng cường đầu tư các công trình lưới điện |
Đối với các dự án lưới điện trung-hạ thế, EVNNPC đã đầu tư 6.762 tỷ đồng để đóng điện các dự án mạch vòng trung áp, đa chia, đa nối, chống quá tải, tự động hóa lưới điện…Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư cải tạo chống quá tải cho lưới điện, trang bị các phương tiện, công cụ hiện đại như các hệ thống đấu nối Hotline, các Trung tâm điều khiển xa… với mục tiêu duy nhất là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hạn chế tối đa sự cố để cấp điện liên tục, ổn định, tin cậy cho doanh nghiệp và nhân dân.
Bên cạnh các nhóm giải pháp trên, theo ông Nguyễn Đức Thiện, EVNNPC sẽ đẩy mạnh chương trình truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải.
“Ngoài những nỗ lực của mình, chúng tôi mong rằng có sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành của các khách hàng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả" - Ông Nguyễn Đức Thiện bày tỏ.