Địa bàn phức tạp, thiên tai triền miên
EVNCPC chịu trách nhiệm quản lý vận hành nguồn, lưới điện từ cấp 110kV trở xuống trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 04 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Diện tích: hơn 96.573 km2 (29% diện tích Việt Nam), địa hình phức tạp, trải dài, ven biển và miền núi với độ dốc khá lớn, nhiều sông suối, thường hứng chịu các đợt bão lụt.
Công nhân ngành Điện khắc phục sự cố đó bão gây ra |
Sau đợt hạn hán kéo dài trong mùa hè, đầu tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung đón những trận mưa to liên tục do chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, khởi đầu chuỗi thiên tai dồn dập, được dự đoán là dị thường nhất trong hai thập niên với bão, đỉnh lũ lịch sử liên tiếp thiết lập, hạn mặn nghiêm trọng chưa từng có, sạt lở quy mô lớn khiến nhiều người chết và mất tích, 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động liên tục trên Biển Đông - nhiều hơn trung bình các năm 20% và ảnh hưởng chủ yếu đến miền Trung.
Do đó, công tác tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là nhiệm vụ diễn tập thường kỳ tại EVNCPC nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác xử lý sự cố nhằm cung cấp điện kịp thời cho khách hàng sau thiên tai của các đơn vị trong toàn Tổng công ty.
Ông Ngô Trường Thắng – Trưởng Ban An toàn, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVNCPC cho rằng, việc diễn tập từ Tổng công ty trực tuyến đến Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung là yếu tố thuận lợi để các đơn vị nắm bắt, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tế. Ông khẳng định, qua diễn tập thực tế cho thấy, việc thực hiện thống kê bằng ứng dụng kiểm tra hiện trường phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong tình huống phải giãn cách vì được thực hiện trên chương trình, hạn chế tiếp xúc giữa các CBCNV, các bộ phận; khai thác được các ứng dụng CNTT đang sẵn có, tận dụng được nguồn dữ liệu đã được thu thập trên chương trình kiểm tra hiện trường, PMIS; rút ngắn được thời gian huy động, xử lý khắc phục sự cố sau thiên tai phát huy vai trò của chuyển đổi số đang được triển khai toàn EVN.
Nghiêm túc và bài bản trong diễn tập mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống thiên tai
Năm 2021 do tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, các Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung tổ chức diễn tập PCTT&TKCN từ tháng 3 đến đầu tháng 7 với 13 Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung theo hình thức kết nối trực tuyến.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cùng Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư và đoàn công tác tiếp tục kiểm tra hiện trường, chỉ đạo, đôn đốc việc khôi phục lưới điện tại Quảng Ngãi do bão số 9 gây ra trong năm 2020 |
Ông Nguyễn Đức – Thành viên HĐTV EVNCPC cho rằng, nếu các sự cố nhỏ lẻ xảy ra mang tính hằng ngày, mang tính rải rác cần lực lượng xử lý thì sự cố do thiên tai giống như nhiều sự cố cùng diễn ra trên phạm vi rộng hơn và cần nhiều nhân lực hơn. Vì vậy, ông lưu ý, để tăng hiệu quả công việc, các đơn vị xem phòng chống thiên tai là việc thường kỳ, hàng ngày và phương án phòng chống thiên tai trở thành công việc thường xuyên. Việc ứng dụng CNTT, chương trình kiểm tra đường dây, TBA bằng các phần mềm đều diễn ra thường xuyên hàng ngày và kể cả trong lúc có sự cố. Lúc này, để khắc phục lưới điện hiệu quả, các sáng kiến của đơn vị mang tính phù hợp trong thực tế thì các đơn vị khác nên áp dụng theo. Giải pháp phát quang hành lang tuyến cần phải triển khai trước mùa mưa bão để bảo vệ lưới khỏi sự cố trong thiên tai. Riêng về vấn đề kiểm đếm, thống kê thiệt hại tại hiện trường cũng rất cần thiết vì là cơ sở để phục vụ thanh quyết toán. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất vẫn là khôi phục nhanh lưới điện nhưng phải bảo đảm an toàn điện trong nhân dân và nhân lực các đơn vị tại hiện trường sau thiên tai là ưu tiên hàng đầu.
Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư kiểm tra công tác dựng lại cột điện sau khi bão làm đổ gãy |
Ông Nguyễn Thành- Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT& TKCN EVNCPC cho rằng, mục đích cuối cùng của diễn tập là đảm bảo tốt nhất việc duy trì cấp điện cho khách hàng.Năm 2021, việc kiểm đếm thiệt hại cần thực hiện song song cả 2 giải pháp là truyền thống và bằng ứng dụng kiểm tra hiện trường. Lãnh đạo EVNCPC cũng giao Ban An toàn phối hợp với Ban Kỹ thuật, Ban CNTT để giải quyết những vướng mắc của đơn vị trong lưu ý các tính năng kiểm đếm trong chương trình kiểm tra hiện trường. Riêng công tác báo cáo thiệt hại do thiên tai thì đầu mối là Ban An toàn.
“Qua diễn tập công tác PCTT&TKCN, của các đơn vị có kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ xử lý sự cố sau thiên tai tốt hơn trong năm 2021 và tránh để xảy ra tình trạng khủng hoảng truyền thông”- Ông Nguyễn Thành cho biết thêm.