Sản lượng nước tiết kiệm tăng cường cho sản xuất điện mùa khô |
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ có khoảng gần 600.000ha đất gieo cấy lúa, cây hoa màu, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa, trong đó, vụ đông xuân luôn được coi là vụ chính trong năm. Đây không chỉ là vùng cung cấp lương thực chủ yếu cho toàn miền Bắc mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính vì vậy, việc đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân có ý nghĩa rất quan trọng và luôn được EVN quan tâm.
Hàng năm, ngoài lượng mưa tự nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp canh tác trong khu vực đều phải phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ các hồ thủy điện lớn của EVN trên hệ thống sông Đà. Thống kê cho thấy, mỗi đợt cấp nước cho vụ đông xuân, các hồ thủy điện của EVN thực hiện điều tiết xả nước (qua phát điện và xả tràn) khoảng trên 5 tỷ m3.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, năm 2019, hệ thống sông ở khu vực phía Bắc xảy ra khô hạn nghiêm trọng. Đến hết năm 2019, các hồ thủy điện không tích được đến mực nước dâng bình thường. Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN, tính đến trung tuần tháng 1/2020, các hồ lớn ở lưu vực sông Đà mới tích được gần 12 tỷ m3, thiếu hụt khoảng 8 tỷ m3 so với bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cấp điện, cấp nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020.
Dù khó khăn là vậy, song EVN luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên dù bất cứ hoàn cảnh nào, ngành điện vẫn phải đáp ứng đủ nước cho gieo cấy. Việc xả nước từ các hồ thủy điện thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngay từ tháng 9/2019, EVN đã chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từng phương án cụ thể với 3 đợt lấy nước. EVN cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ như tăng cường phát điện; đảm bảo cung cấp điện phục vụ các trạm bơm…
Trên cơ sở thống nhất kế hoạch, tháng 11/2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị quán triệt tình hình đến 11 tỉnh Đồng bằng Bắc bộ theo hướng các địa phương chủ động, có các giải pháp lấy nước hiệu quả như: Tăng cường các trạm bơm dã chiến; tận dụng triều cường; có biện pháp tích trữ nước... Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, EVN đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi thực hiện xả nước các hồ thủy điện theo đúng lưu lượng tính toán của Tổng cục. Tại thời điểm đầu của đợt 1, do mực nước ở các sông tương đối thấp, EVN đã tăng lượng xả cao hơn so với kế hoạch ban đầu, bảo đảm cho các địa phương lấy nước hiệu quả.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, kết thúc đợt 1 lấy nước 4 ngày (từ 0h ngày 20/1 đến 24h ngày 23/1/2020), số diện tích có nước 286.100ha, đạt 54% tổng diện tích gieo cấy. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,11 tỷ m3 nước. Trong đợt 2, nhờ có mưa ở miền Bắc trong tháng 1/2010 cùng với sự điều chỉnh xả nước hợp lý, mực nước sông Hồng tại Sơn Tây duy trì đạt từ 2,5m, cao nhất đạt 1,68m, đã tạo điều kiện cho các trạm bơm lấy nước. Tính đến cuối ngày 5/2, diện tích có nước ở khu vực là 487.230 ha (đạt 91,7%), trong đó nhiều địa phương đạt 100% như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện thời tiết có mưa, việc lấy nước phục vụ gieo cấy sẽ đảm bảo hoàn thành trước hạn. Dự kiến, sản lượng nước tiết kiệm khoảng 2 tỷ m3, góp phần tăng cường cho sản xuất điện mùa khô năm 2020. |