Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội tài trợ trạm rửa tay dã chiến tại các khu vực cách ly |
Nhiều chương trình hỗ trợ
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, EVN đã xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp ứng phó với mục tiêu không để người lao động nào trong tập đoàn mắc bệnh dịch, đảm bảo yêu cầu sản xuất, kinh doanh; cung cấp điện an toàn, liên tục cho đất nước. Đặc biệt, tăng cường cung cấp điện cho các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung trên cả nước.
Bên cạnh việc quyên góp hàng tỷ đồng để ủng hộ cho tập thể, cá nhân nơi tuyến đầu chống dịch, EVN và các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như: Tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, tặng gạo… cho người dân; hỗ trợ phòng dịch cho khách hàng tới quầy giao dịch điện lực; thúc đẩy, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ điện trực tuyến.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, Ban thường vụ Đảng ủy EVN đã ban hành nghị quyết để hiện thực hóa nhiệm vụ Chính phủ giao; trong đó, đã đề xuất giảm tiền điện, giá điện cho các khách hàng sử dụng điện. Theo phương án đã được phê duyệt, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng, bao gồm 100% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (tương ứng 26,6 triệu hộ gia đình) được giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu, chủ yếu là các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt sử dụng dưới 300 kWh/tháng là 22,8 triệu hộ gia đình (chiếm tỷ lệ 85,7%) sẽ được giảm 10% tiền điện. Ngoài ra, hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện. Các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng điều kiện của Luật Du lịch năm 2017 được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất. Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị Covid-19 và các khu cách ly tập trung cũng được miễn, giảm tiền điện trong thời gian 3 tháng.
Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng
Nhiều ý kiến đánh giá, việc giảm giá điện thể hiện sự cố gắng rất lớn của EVN khi chính bản thân doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và khó khăn trong sản xuất điện. Báo cáo quý I/2020 của EVN cho thấy, sản lượng điện sản xuất và thương phẩm vẫn tăng trên 6,3%. Trong khi đó, tình hình thủy văn diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến nguồn điện giá rẻ từ thủy điện chỉ huy động được 8,93 tỷ kWh, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Để bù đắp nguồn điện thiếu hụt, EVN phải tăng huy động nhiệt điện than tới 21,3%; tăng nguồn nhiệt điện dầu khoảng 1,02 tỷ kWh, tăng gần 1 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá về những nỗ lực của EVN, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) - cho rằng: Việc giảm giá điện trong bối cảnh cả nước ứng phó với Covid-19 là quyết định cần thiết, đúng đắn và thể hiện trách nhiệm của EVN - doanh nghiệp nhà nước góp sức cùng Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong bối cảnh bị tác động mạnh mẽ của dịch bệnh. “Quyết định giảm giá điện của EVN sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh từ tiêu dùng điện năng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và giảm chi phí chi tiêu cho hộ tiêu dùng điện. Về vĩ mô, giúp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng theo sát chỉ tiêu đề ra” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.
Đại diện EVN cho biết, ngay sau khi Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn, tập đoàn đã chỉ đạo các tổng công ty/công ty điện lực tập trung mọi nguồn lực thực hiện giảm giá điện cho các khách hàng theo đúng quy định. |