Thương hiệu EVN bị giả mạo để quảng cáo gây hiểu nhầm |
Theo EVN, các thông tin quảng cáo này đã sử dụng trái phép logo nhãn hiệu EVN để quảng cáo bán hàng, đồng thời sử dụng một số thuật ngữ, từ ngữ có thể gây hiểu nhầm đây là sản phẩm thuộc EVN.
Việc vi phạm sử dụng nhãn hiệu EVN và sử dụng các thông tin không rõ ràng gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Tập đoàn EVN.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Tập đoàn EVN cũng đã từng cảnh báo về những thông tin quảng cáo không đúng sự thật như “thiết bị siêu tiết kiệm điện”, “Thẻ tiết kiệm điện thông minh”,.... Các thiết bị được quảng cáo này hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện. Đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng, nhất là vào mùa nắng nóng dẫn tới tiêu thụ điện tăng cao. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lợi dụng nhãn hiệu hay bất kỳ hình thức nào để quảng bá, bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hay các mục đích khác đều là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn, cần sự vào cuộc xử lý sớm của các cơ quan chức năng để bảo vệ hình ảnh của EVN nói riêng, doanh nghiệp nói chung.