Kỳ vọng phục hồi đà xuất khẩu
Tại cuộc tọa đàm “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU”, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - cho biết, trong bối cảnh dịch Covid -19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) thì việc tìm giải pháp khắc phục khó khăn khi dịch bệnh qua đi trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới là một nhiệm vụ rất quan trọng. Chính vì vậy, việc hoàn tất các thủ tục để phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ.
Về phía Việt Nam, hồ sơ hiện nay đã được trình và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Ông Thái hi vọng, Chính phủ sẽ sớm có nghị quyết thông qua hồ sơ này trình sang Chủ tịch nước và kịp trình Quốc hội vào cuối tháng 5. Song song với quá trình đó thì các Bộ ngành cũng phải thúc đẩy các công đoạn chuẩn bị, trong đó ưu tiên hàng đầu hiện nay là hành lang pháp lý để Hiệp định này có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu, thì có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020, EVFTA sẽ chính thức đi vào thực thi.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội. Ánh - Cấn Dũng |
Được ví như “đường cao tốc quy mô lớn”, EVFTA sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên. Đối với Việt Nam, “tuyến đường cao tốc” này sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang kỳ vọng EVFTA sớm được thực thi, giúp mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU. Tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với EVFTA, hi vọng hàng hóa có thể đến đích nhanh hơn các đối thủ khác từ góc độ cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, con đường đó có tấp nập hay không phải phụ thuộc nhu cầu hai bên. Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, có thể nhu cầu thị trường bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu có thể tăng lên nhiều, nhất là vào thời điểm EVFTA có hiệu lực thì sẽ là cú hích rất là tốt cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận
Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, EVFTA được ví như cao tốc, nhưng không phải xe nào cũng được chạy trên cao tốc. Thị trường EU rất lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Doanh nghiệp đã xác định EU là thị trường mục tiêu thì cần có cách tiếp cận bài bản. Mặt khác, trong quan hệ với EU, cần xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đi đầu, ta cần tham gia. Như vậy, “sự tiếp cận nghiêm túc và chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng” – ông Thái nhấn mạnh.
Điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung. Những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Ví dụ để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn, nhưng điều đó lại giúp các doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng các cam kết, quy định trong EVFTA sẽ dẫn đến sự thay đổi về pháp luật của Việt Nam. Điều này dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải chịu thêm các chi phí tuân thủ. “Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chấp nhận những chi phí như vậy để thay đổi và tận dụng cơ hội”, bà Trang cho hay.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc. |