Trang tin tức Нigh North News dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho hay: “Không giống như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với việc nhập khẩu LNG. Do đó, châu Âu vẫn là điểm đến cho 50% lượng xuất khẩu LNG của Nga, vượt cả lượng xuất khẩu của Mỹ sang EU”.
Theo các chuyên gia, LNG hiện đã trở thành nhiên liệu hóa thạch chính của Nga được EU nhập khẩu. Thậm chí, một phân tích mới về sự phổ biến của nhiên liệu hóa thạch của Nga đã tiết lộ việc các nước EU nhập khẩu LNG liên tục và không ngừng.
“Nga đã ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ xuất khẩu LNG, đặc biệt là khi LNG của nước này không bị EU trừng phạt. Báo cáo cho biết từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023, 50% lượng xuất khẩu LNG của Nga, với tổng trị giá 8,3 tỷ euro được hướng tới thị trường EU”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho biết thêm, có tới hàng chục quốc gia châu Âu là khách hàng mua LNG của Nga. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu chính là Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, chiếm 88% lượng LNG nhập khẩu của Nga vào EU trong 10 tháng qua.
EU vẫn nhập 50% khí đốt hoá lỏng của Nga |
“Các cảng của EU nhận hơn 200 chuyến hàng từ nhà máy LNG Yamal của Nga mỗi năm. Khối lượng LNG nhập khẩu hiện nay đáng kể đến mức đã vượt qua các loại nhiên liệu hóa thạch khác của Nga”, báo cáo lưu ý.
LNG của Nga hiện chủ yếu được sản xuất tại nhà máy Yamal LNG ở Bắc Cực và với dự án thứ hai, Arctic LNG 2, sẽ được triển khai trong vài tuần tới, nhập khẩu của EU có thể còn tăng hơn nữa vào năm 2024.
Các cảng EU “hỗ trợ” LNG của Nga
EU cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển LNG của Nga cho khách hàng bên ngoài lục địa. Theo đó, hơn 20% LNG của Yamal đi qua các bến cảng ở châu Âu, nơi nó được chuyển từ các tàu chuyên dụng có khả năng chịu băng sang tàu chở LNG thông thường để vận chuyển tiếp theo.
Được biết, một trung tâm quan trọng là cảng Zeebrugge (Bỉ), nơi Fluxys, nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt tự nhiên, vận hành một thiết bị đầu cuối lưu trữ và tái hóa khí. Năm 2015, công ty này đã ký hợp đồng lưu trữ dài hạn đến năm 2035 với nhà sản xuất khí đốt hàng đầu Novatek của Nga. Thỏa thuận cho phép tới 8 triệu tấn LNG và khoảng 105 chuyến hàng đi qua.
Bên cạnh đó, các công ty châu Âu cũng tham gia vào hoạt động của đội tàu chở dầu LNG của Novatek. Assuranceforeningen Skuld của Na Uy, một công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại Oslo, tiếp tục cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường cho 3 tàu vận chuyển LNG giữa thị trường Bắc Cực và châu Âu.
Trước đó, theo thống kê bởi hãng dữ liệu năng lượng và hàng hải Kpler, tháng 11/2023, xuất khẩu LNG từ Nga sang châu Âu đã phá kỷ lục của tháng 12/2022 (1,737 triệu tấn), lên tới 1,75 triệu tấn. Tổng cộng, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Nga đã xuất khẩu 29,12 triệu tấn LNG sang EU.
Tháng 11, tổng lượng LNG xuất khẩu của Nga đạt 2,914 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2022.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, EU đã đặt mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng của Nga.
Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu LNG Nga sang khu vực này gia tăng. Một số nước châu Âu thậm chí còn cho phép các bến cảng của họ trung chuyển và/hoặc tái xuất LNG của Nga. Trong 9 tháng đầu, các kho cảng của EU nhận nhiều LNG nhất từ Nga lần lượt là Zeebrugge (Bỉ), Montoir-de-Bretagne (Pháp) và Bilbao (Tây Ban Nha).
Theo chuyên gia năng lượng độc lập Aleksandr Sobko, trên sàn giao dịch năng lượng TTF (Hà Lan), hợp đồng LNG giao hàng tháng 11 có giá bằng hoặc cao hơn giá LNG giao ngay cho châu Á trong một số ngày. Thị trường EU trở nên hấp dẫn hơn do chi phí vận chuyển từ Yamal đến đó đã thấp hơn đáng kể.