Vào tuần trước, đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell tuyên bố rằng khối này đã chấp thuận việc thu lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Liên bang Nga.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga. Nguồn ảnh: Bloomberg |
Theo ông Borrell, EU sẽ thu khối tài sản trị giá 1,4 tỷ Euro trong tháng tới, và sẽ thu 1 tỷ Euro khác vào cuối năm nay. Được biết, 90% doanh thu sẽ được chi cho vũ khí và 10% doanh thu sẽ được chi cho các dự án xây dựng ở Ukraine.
Tuy vậy, không phải quốc gia nào trong khối EU cũng ủng hộ kế hoạch thu tài sản trên. Đại diện Hungary trong cuộc họp đã bỏ phiếu phủ quyết kế hoạch này, nhưng EU vẫn tiếp tục thông qua quyết định.
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó đã bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội: “Vừa có hàng tỷ USD mới được trao cho Ukraine. Lần này, họ đã lợi dụng các quy tắc của EU và phớt lờ Hungary. Đây là sự vi phạm trắng trợn các quy tắc chung của châu Âu, và họ đã vượt qua làn ranh đỏ của chúng tôi."
Nhận định về quyết định vừa qua của EU, ông Gilbert Doctorow, nhà phân tích quan hệ quốc tế và các vấn đề về Nga, nói với kênh Sputnik: “Quyết định này thật đáng xấu hổ. Việc giao cho Cơ sở Hòa bình châu Âu vai trò tài trợ cho vũ khí và chiến tranh là một hành động đạo đức giả. Mục tiêu cuối cùng của 'sáng kiến hòa bình' này là kéo dài chiến tranh, ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, vì tham vọng cá nhân của ông Joe Biden."
Đồng thời, ông Doctorow cũng đưa ra cảnh báo: “Kết quả là nhiều quốc gia đang phát triển sẽ giảm mạnh việc sử dụng đồng Euro làm tiền tệ dự trữ, khi họ bắt đầu lo sợ chính phủ châu Âu sẽ tịch thu tài sản quốc gia của họ một cách tùy tiện và bất hợp pháp, bất cứ khi nào châu Âu cảm thấy phù hợp”.
Tương tự, ông Adriel Kasonta, nhà phân tích đối ngoại người Anh và là cựu chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế tại tổ chức nghiên cứu Bow Group, nhận xét quyết định vừa qua của Brussels là "tồi tệ" về mọi mặt.
Chia sẻ với kênh Sputnik, ông Kasonta nói: “Trước hết, việc phớt lờ nguyên tắc miễn trừ chủ quyền của quốc gia có chủ quyền là Liên bang Nga là bất hợp pháp. Điều này đã phơi bày tiêu chuẩn kép của phương Tây khi nói đến pháp quyền, và phơi bày sự thiếu bình đẳng trong việc áp dụng các quy tắc pháp quyền cho các quốc gia khác”.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Điều này rõ ràng là có hại cho nền tài chính phương Tây, vì nó đóng vai trò thúc đẩy phong trào phi Đô la hóa. Quyết định này sẽ khiến nhiều nước bắt đầu phong trào từ bỏ đồng Đô la và đồng Euro trong các giao dịch quốc tế.”
Được biết, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, EU và các nước G7 đã phong tỏa gần 300 tỷ USD tài sản của Nga. Trong số đó, có khoảng 207 tỷ USD được giữ tại Euroclear, một cơ quan thanh toán bù trừ có trụ sở tại Bỉ.
Sau đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt nguồn tài chính của nước này, và khẳng định rằng họ sẽ coi bất kỳ hình thức chiếm đoạt nào là "trộm cắp".
Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói với kênh Sputnik rằng bất kỳ hành động tịch thu tài sản của Nga sẽ buộc Nga phải ra động thái đáp trả. Ông cũng đồng thời cho biết rằng một lượng tài sản nước ngoài với quy mô tương tự đã bị phong tỏa ở Nga.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đưa ra cảnh báo rằng Nga có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đáp trả quyết định tài trợ cho Ukraine bằng tài sản Nga từ phía các nước G7.