Ông Bernd Lange cho biết, trong chuyến công tác từ ngày 28-31/10, Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu gồm 8 nghị sĩ do ông dẫn đầu đã có cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam bao gồm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người đứng đầu các Bộ ngành liên quan cũng như các tổ chức lao động và dân sự.
Chủ tịch INTA khẳng định, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, rủi ro thì việc phát triển các mối quan hệ dựa trên đối tác thay vì cạnh tranh lẫn nhau là rất quan trọng. Nền tảng quan trọng nữa trong hợp tác hai bên là việc hai bên đã ký kết các hiệp định quan trọng vừa qua. Đồng thời cho biết tháng 2 năm tới Nghị viện châu Âu sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua các hiệp định quan trọng này. Còn từ phía Việt Nam, việc phê chuẩn hiệp định sẽ diễn ra tại Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp tiếp theo vào tháng 5/2020.
“Những tháng tới là thời gian quan trọng để đi đến hiểu biết chung, để EU có tín hiệu đầy đủ từ Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phê chuẩn” - ông Bernd nói.
Theo ông Bernd Lange, cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất quan trọng, bởi Quốc hội Việt Nam chính là cơ quan đối tác trực tiếp với Nghị viện châu Âu. Hai bên đã thảo luận về quá trình thực hiện hai hiệp định được đặt trong những yếu tố quan trọng khác mà Việt Nam đang triển khai. Đó là việc xem xét, phê chuẩn ba công ước còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hai công ước còn lại (Công ước 105 về lao động cưỡng bức và Công ước 87 về tự do hiệp hội) sẽ được xem xét, phê chuẩn trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch INTA, ông Jan Zahradil cho rằng, giai đoạn sắp tới có ý nghĩa lịch sử khi có quyết định cuối cùng từ Nghị viện châu Âu. Đồng thời nhấn mạnh, không có quốc gia nào trong Đông Nam Á có thể ký kết với EU các hiệp định tương tự như Việt Nam trong tương lai sớm, điều đó phản ánh mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và EU.
Sau cuộc bầu cử hồi tháng 5, có tới 60% là nghị sĩ mới thuộc 8 nhóm đảng phái khác nhau, nên có nhiều luồng quan điểm phức tạp. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ Việt Nam đã được các nghị sĩ ghi nhận. “Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội có thể để gửi đi thông điệp tích cực càng nhiều càng tốt, tạo thuận lợi cho việc phê chuẩn. Sau cuộc gặp Thủ tướng, chúng tôi ghi nhận những tín hiệu tích cực từ phía Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới, và tin rằng cuộc bỏ phiếu phiên toàn thể vào tháng 2 năm sau có thể kỳ vọng những kết quả tích cực từ Nghị viện châu Âu” - Phó Chủ tịch INTA cho biết.
Nói thêm về các vấn đề liên quan đến quá trình phê chuẩn EVFTA và IPA, ông Bernd Lange cho biết, Nghị viện châu Âu rất quan tâm đến các công ước cơ bản còn lại của ILO. Đây là yếu tố rất quan trọng và được Nghị viện châu Âu quan tâm bởi thương mại là động lực cho phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho mọi người dân và người lao động ở cấp cơ sở. Quyền của người lao động cần được đảm bảo.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng là một trong những vấn đề mà Nghị viện EU quan tâm. Ông Bernd Lange cho rằng, một mặt, không gian mạng rất cần được bảo vệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số, công nghiệp hiện đại hiện nay, mặt khác, cần thận trọng với những yêu cầu, quy định liên quan trong luật này. Ví dụ, yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước, yêu cầu mở dữ liệu của doanh nghiệp cho quản lý... Những vấn đề này cần được đặt trong bối cảnh bảo vệ dữ liệu cá nhân và không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Phái đoàn INTA cũng cho rằng, Bộ Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam, khi được Quốc hội thông qua, sẽ là bước tiến quan trọng trong triển khai hiệp định thương mại tự do sau này, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.