Tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đã thực sự “thoát đáy”? Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 3 cả nước Khắc phục điểm mờ trong tăng trưởng kinh tế |
GDP quý I/2024 của Việt Nam tăng 5,66%, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay, tuy nhiên dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Để làm rõ hơn về nhận định trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Bà đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam? Kết quả này có đạt như kịch bản điều hành theo Nghị quyết 01-NQ/CP không, thưa bà?
Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, kết quả này khá phù hợp với các diễn biến kinh tế trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98% do hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng ổn định, đáp ứng nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 6,28% nhờ hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần phục hồi tích cực với nguồn cung nguyên liệu và máy móc thiết bị từ nhập khẩu được đảm bảo; sản xuất điện tăng cao đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tiêu dùng. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, trong đó một số hoạt động dịch vụ cũng khá sôi động, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi phục vụ xuất khẩu tăng mạnh; hoạt động du lịch có bước tăng trưởng tốt trong ba tháng đầu năm 2024, tính chung quý I/2024, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trở lại cũng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành Chính sách của Chính phủ, Nhà nước, Bộ ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Kết quả tăng trưởng GDP quý I/2024 có đạt như kịch bản điều hành theo Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ đưa ra không, thưa bà?
Theo kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Tuy nhiên giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu, cụ thể: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết 01. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng (3,0% đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 6,3% và 6,5% đối với khu vực dịch vụ).
Như vậy, với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành. Tuy nhiên, trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam.
GDP quý I/2024 của Việt Nam tăng 5,66%, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay |
Kinh tế thế giới được dự báo vẫn đối mặt với nhiều thách thức và diễn biến khó lường, xin bà cho biết, trong bối cảnh trên Tổng cục Thống kê đã có những các kịch bản tăng trưởng ra sao?
Kinh tế thế giới bước vào năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với diễn biến khó lường, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Các yếu tố bất lợi cho khôi phục kinh tế như lạm phát cao, cầu thương mại và tiêu dùng vẫn thấp, xu hướng phục hồi chậm, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ngày càng phức tạp, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Trước những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế đều nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.
Trong nước, mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo.
Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01 lần lượt như sau: Kịch bản 1 (năm 2024 GDP tăng 6%): Quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.
Kịch bản 2 (năm 2024 tăng 6,5%): Quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.
Tổng cục Thống kê đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024 |
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kịch bản 2, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa bà?
Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01 và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực theo góc độ sản xuất và góc độ sử dụng.
Cụ thể, theo góc độ sản xuất, theo tôi chúng ta cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.
Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Theo góc độ sử dụng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế…;
Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần cải tiến mạnh mẽ chuỗi liên kết giá trị hàng hóa chất lượng từ nông sản tới sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị cao để đáp ứng được nhiều thị trường khó tính, mở rộng quy mô và đối tác, mang lại cơ hội cho các ngành sản xuất.
Xin cảm ơn bà!