Trong phiên họp của Bộ Chính trị ngày 18/9/2024 về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.
Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có thể nói việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ mở ra những tầm nhìn mới cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong những năm tới đây.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Ảnh minh hoạ |
Được biết ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu nghiên cứu, phân tích, đánh giá, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng đường sắt bắc-nam hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Kết luận số 49-KL/TW năm 2023 của Bộ Chính trị nhấn mạnh mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang).
Thực hiện các chủ trương này trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập các đoàn công tác nghiên cứu khảo sát tại một số nước, tổ chức nhiều hội thảo về về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác và phát triển công nghiệp đường sắt cũng như lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 12/7/2024 về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đến nay chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có đầy đủ cơ sở chính trị (Kết luận 49 của Bộ Chính trị), cơ sở pháp lý (Nghị quyết số 103 của Quốc hội) và cơ sở thực tiễn (nhu cầu vận tải rất lớn, nhất là vận tải hành khách theo trục bắc - nam, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với thế giới, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ).
Quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận được Thủ tướng nhấn mạnh là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Kết luận 49. Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.