Chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của hàng nghìn người bằng chiêu "trị nám Bà Nhàn" Tái diễn chiêu trò hội thảo lừa đảo bán hàng tại làng quê |
Đường dây lừa đảo hàng nghìn người trên cả nước với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu là lừa bán thuốc “Đông y gia truyền” cho phụ nữ vừa được lực lượng công an ở các tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình triệt phá thành công. Hành trình bóc gỡ, phá án của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn do nhóm đối tượng có thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp.
Hàng ngàn người người sập bẫy
Vào đầu tháng 8/2022, chị T. trú tại huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) lên mạng xã hội tìm và biết đến trang Facebook “Trị nám Bà Nhàn". Sau đó, chị T. liên hệ trang này mua 6 đơn sản phẩm trị nám với tổng trị giá 16 triệu đồng.
Trang Fanpage “Bà Nhàn Tặng Ưu Đãi Trị Nám Tết Quý Mão - Gọi 0919.880.330” đăng thông tin để lừa đảo người sử dụng. |
Cũng theo chị T. đến khoảng đầu tháng 4/2023, có người tự xưng là nhân viên thuốc trị nám bà Nhàn gọi cho chị T. để hỏi chị T. dùng sản phẩm có hiệu quả không? Sau khi chị T. trả lời "dùng thuốc không hiệu quả" thì người tự xưng nhân viên hứa hẹn sẽ liên lạc qua Zalo hướng dẫn, hoàn trả lại tiền.
Sau đó, các tài khoản Zalo mang tên “Đình Phong” và “Anh Giám Đốc” thường xuyên liên lạc và yêu cầu chị T. chuyển khoản tiền phí hơn 116 triệu đồng qua nhiều số tài khoản khác nhau để làm thủ tục hoàn trả tiền. Tin tưởng nên chị T. đã chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng nhưng vẫn không nhận được tiền bồi thường sản phẩm. Biết đã bị lừa nên chị T. trình báo sự việc này tới cơ quan công an.
Cũng thông qua mạng, mới đây Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô rất lớn, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp.
Cụ thể ngày 13/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan việc kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Trong số các bị can bị khởi tố, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt 9 bị can để tạm giam; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một bị can và lệnh truy nã bị can Lê Thị Thủy - một trong những người cầm đầu hiện đang bỏ trốn.
Các bị can trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng qua mạng - Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình |
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một đường dây có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lớn, có tổ chức.
Kết quả điều tra xác định, năm 2018, Tạ Tùng Lâm (SN 1994) trú tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội đứng ra thành lập công ty TNHH WallStreet có trụ sở tại quận Đống Đa, TP Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh thực phẩm chức năng, vật tư y tế.
Cuối năm 2021, Lâm cùng với Lê Thị Thủy (29 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) lập ra nhóm "VIDA Group" chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Đồng thời, lập trang Facebook bán hàng online lấy tên "Cộng đồng Thương mại điện tử VIDA Group" và thành lập khoảng 120 chi nhánh (mỗi chi nhánh từ 7-10 nhân viên) để hoạt động lừa đảo.
Những người trong đường dây này lập các trang Facebook có tên “Lương Y Giang Thị Nhàn”, “Bà Nhàn trị nám” xây dựng các videoclip và hình ảnh quảng cáo thuốc “Sắc Ngọc Đan” có khả năng điều trị dứt điểm các bệnh về nám, tàn nhang; nhân viên tư vấn sản phẩm tư vấn “Sắc Ngọc Đan” trị bệnh nám, tàn nhang chữa được chỉ sau 14 ngày.
Để tăng sức hút, đường dây này tung thêm "gói bảo hành" chữa bệnh trong 10 năm với việc mỗi tháng khách hàng sẽ được gửi miễn phí một bộ sản phẩm điều trị nám, tàn nhang có giá trị hơn 1 triệu đồng. Sau khoảng 2-3 năm khỏi bệnh thì số thuốc miễn phí còn lại của các năm sẽ được công ty hỗ trợ bán ra thị trường với số tiền 100-290 triệu đồng và số tiền này khách hàng sẽ là người được hưởng.
Tuy nhiên, để nhận được số tiền này thì công ty đưa ra nhiều lý do yêu cầu khách hàng chuyển thêm tiền kèm "lời hứa" khoản tiền bị hại đã nộp sẽ được hoàn lại, nhưng thực tế sau đó mất hút.
Để triệt xóa đường dây này, Công an tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đồng loạt khám xét khẩn cấp chỗ ở của 14 trường hợp, thu giữ và niêm phong số tiền mặt hơn 7,4 tỉ đồng, 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2,58 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 20 lượng vàng, hai vòng vàng cùng nhiều ô tô thuộc hạng sang kèm những tang vật khác có liên quan.
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo
Theo đại diện công an tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng người dùng mạng xã hội cần rèn luyện cho mình những "kháng thể" để chống lại các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi này. Tiếp đó phải áp dụng nguyên tắc không tin bất kỳ ai, mọi lúc mọi nơi khi tham gia mạng xã hội.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định) cầm đầu - Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh |
Không vội tin tưởng ngay mà cần xác minh lại một kênh độc lập, tin cậy khác. Không sẵn sàng chuyển tiền đến các số tài khoản không biết rõ hoặc không nằm trong danh bạ của mình. Cập nhật liên tục thông tin trên các phương tiện truyền thông để biết về các hình thức, chiến dịch lừa đảo mới, vị này cảnh báo.
Đại úy Phùng Khắc Đông – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thạch Hà, thông tin: Việc lừa đảo thông qua việc bán hàng trên mạng xã hội là thủ đoạn không hề mới. Tuy nhiên, các đối tượng sử dụng chiêu trò đánh đúng vào tâm lý của nạn nhân – những khách hàng sử dụng sản phẩm không có hiệu quả, đang mong muốn được hoàn trả lại tiền nên số lượng nạn nhân “sập bẫy” rất lớn.
Quá trình đấu tranh, truy vết tội phạm chủ yếu dựa vào các dữ liệu trên không gian mạng. Mặt khác, các đối tượng đều là người ngoại tỉnh, vậy nên, việc di chuyển để tiếp cận, trinh sát, bắt giữ gặp khá nhiều khó khăn, Đại úy Đông chỉ rõ.
Dù gặp nhiều khó khăn, qua hơn 1 tháng vào cuộc điều tra đến ngày 28/6, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an phường Mộ Lao, quận Hà Đông TP.Hà Nội huy động 80 cán bộ, chiến sĩ xuất phát trong đêm, kiểm tra bất ngờ 2 địa điểm làm việc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh tại Hà Nội.
Khám xét tại 2 địa điểm của công ty này, tổ công tác đã triệu tập làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan.
Ngô Duy Khánh tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh. |
Theo Thượng tá Đặng Quốc Thiện – Trưởng Công an huyện Thạch Hà: Qua quá trình đấu tranh, các đối tượng trong đường dây lừa đảo núp bóng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng về làm đẹp đã phải cúi đầu nhận tội. Đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 bị can và lệnh tạm giam đối với Ngô Duy Khánh cùng 7 “phó tổng giám đốc” trong công ty của Khánh.
Về tính chất nghiêm trọng của vụ lừa đảo, Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Xác định đây là chuyên án lớn, liên quan đến nhiều đối tượng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc ngay từ đầu để đấu tranh, triệt phá. Với tính chất phức tạp của đường dây này, Công an tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng tham gia phối hợp với công an các tỉnh, thành – nơi các “vòi bạch tuộc” của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh đóng trụ sở tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án nhằm xử lý triệt để, bắt giữ được hết các đối tượng tham gia đường dây lừa đảo.