Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký nghị quyết triển khai thực hiện 3 tuyến đường cao tốc trọng điểm |
Nhiều ý kiến cho rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc này hết xăng, hỏng hóc hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe?
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ chính thức đưa vào vận hành vào ngày 1.9 |
Lo ngại khi cao tốc không có trạm dừng nghỉ
Dự kiến, ngày 1.9.2022 tới đây, tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa vào vận hành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ thực hiện nhiệm vụ kết nối đồng bộ, liên thông với hệ thống cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km và đưa Quảng Ninh là địa phương có số kilômét cao tốc lớn nhất cả nước (176km/1.046km). Tuy nhiên, việc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không có trạm dừng chân, trạm xăng nào trên trục cao tốc là bất cập lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho lái xe và người dân, khiến nhiều người e ngại.
Theo ông Đỗ Trung Phong (TP.Hạ Long), việc mở tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế của địa phương nhưng với chiều dài hơn 100km mà không có trạm dừng nghỉ, trạm xăng là điều cực kỳ bất cập. Bởi khi lưu thông trên tuyến mà xe hỏng hoặc hết xăng thì người dân sẽ được hỗ trợ như thế nào.
Cũng theo ông Phong, khi lưu thông hết tuyến Hà Nội - Hải Phòng, xe của ông báo gần hết xăng và ông dự kiến sẽ tiếp nhiên liệu ở trạm dừng nghỉ đoạn tiếp sau. Nhưng chạy gần hết cả tuyến Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn cũng không có trạm nào.
Nhiều bạn đọc cho biết, nếu không bơm đầy bình trước khi từ Hà Nội chạy vào cao tốc Quảng Ninh, sẽ có nhiều ôtô hết xăng giữa đường, nhất là sắp tới cao tốc được nối dài tới Móng Cái, nâng chiều dài cao tốc từ Hà Nội - Móng Cái đến khoảng 300km.
Sai từ thẩm định quy hoạch
Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác. Còn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN5729:2012, dọc cao tốc phải xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường.
Theo quy định, cứ khoảng 15-25km có một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường để dừng xe nghỉ ngơi và bảo dưỡng xe. Vị trí chỗ dừng xe có thể được chọn xa đường từ vài chục mét đến hàng trăm mét. Trong khoảng 50-60km cần có một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); cứ khoảng 120-200km cần bố trí một trạm phục vụ lớn.
Tuy nhiên trao đổi với PV, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do địa phương phê duyệt, triển khai, nên địa phương cần phải báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc ra sao. Hiện đã có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của việc xây dựng đường cao tốc, quan trọng nhất là cách tổ chức thực hiện vì đây là các dự án BOT. Tuy nhiên vấn đề xây dựng các trạm dừng nghỉ như thế nào còn đang khiến các địa phương lúng túng.
Để giải quyết vấn đề này và tránh trường hợp cao tốc đi vào hoạt động mà thiếu trạm dừng nghỉ, nhiều chuyên gia cho rằng, đã giao cho nhà đầu tư làm đường thì nên giao luôn cho họ triển khai các trạm dừng nghỉ để vận hành và khai thác tất cả các dịch vụ đồng bộ.
Nguyên là Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - ông Lê Văn Thịnh cho hay, khi Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào khai thác là kiểm tra thiết kế có đúng thiết kế đã được phê duyệt. Do đó, khi thẩm định thiết kế cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng phải đề cập đến tất cả các dịch vụ, Hội đồng kiểm tra Nhà nước chỉ kiến nghị bổ sung trạm dừng nghỉ dọc đường để bảo đảm cho việc khai thác. Ngay từ khi thẩm định dự án, trong đó có thẩm định thiết kế cơ sở đã phải đề nghị bố trí trạm nghỉ dọc đường, tiếp đến là thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công khi triển khai. Nếu chưa có thì phải bổ sung.
Theo ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh - một trong những lý do đến nay trên 3 tuyến cao tốc kết nối với nhau với tổng chiều dài hơn 176km này chưa có trạm dừng chân là do thay đổi quy hoạch.
Trong đó, trước đây đã quy hoạch xây dựng trạm dừng chân ở gần khu vực Trạm thu phí cầu Bạch Đằng thuộc cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, nhưng vị trí này ở cách không xa Trạm dừng chân 77 của Hải Phòng, nằm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cũng đã quy hoạch một trạm dừng chân ở đoạn đi qua huyện Đầm Hà nhưng sau đó thay đổi vị trí cho phù hợp.
Cũng theo ông Hải, hiện đã chốt phương án xây dựng 2 trạm dừng chân trên dọc trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Cụ thể, đối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sẽ có một trạm được xây dựng tại xã Thống Nhất, TP.Hạ Long. Hiện, TP.Hạ Long đang tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng chân.
Một số tuyến cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thống kê của Công ty HHV, đơn vị vận hành cao tốc, lưu lượng trên tuyến khoảng 6.000-8.000 lượt xe mỗi ngày. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51km đã khai thác gần 1 năm, hiện cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Tuyến này còn nối thông với cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài hơn 49km, mới có một trạm dừng tại Km28+200. Đoạn từ Km28+500 đến cuối tuyến dài 73km chưa có trạm dừng nghỉ. |