Từng là những mầm non đầy hứa hẹn, nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam gần đây bị chỉ trích, vì mắc vào những vụ việc tai tiếng do bốc đồng tuổi trẻ hay cám dỗ của đồng tiền.
Gần đây nhất là trường hợp của một cầu thủ trẻ của câu lạc bộ Quảng Nam đã liên tục vi phạm kỷ luật, được cho là không có trách nhiệm với đội bóng. Với hành động bỏ tập trung trước trận đấu quan trọng sau Tết Nguyên đán, anh đã bị chỉ trích là thiếu chuyên nghiệp và coi thường ban huấn luyện, đồng đội. Cầu thủ này ngay sau đó đã phải hối hận khi bị huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ đẩy xuống đội trẻ để tập luyện.
Nếu không được định hướng đúng từ sớm nhiều cầu thủ trẻ có thể đi sai hướng. (Ảnh minh họa) |
Một vụ việc khác có thể nhắc đến đó là 5 cầu thủ trẻ Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây đã bị tạm đình chỉ thi đấu cho đến khi có quyết định thay thế, bởi nhóm cầu thủ này đã vướng vòng lao lý vì những "đồng tiền bẩn". Dù chỉ một lần nhóm cầu thủ trẻ này nhúng tràm, nhưng đó cũng chính là lúc họ tự đóng sập cánh cửa tương lai của chính mình.
Có thể nói, bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều tài năng trẻ đầy hứa hẹn. Bên cạnh việc phát triển chuyên môn, việc giáo dục đạo đức và lối sống cho các cầu thủ trẻ cũng cần được quan tâm đúng mức. Nếu không, những "thói hư" như những cầu thủ trên sẽ như những ngọn lửa âm ỉ, dần dần dập tắt ngọn lửa đam mê và tài năng của các em.
Như chúng ta đã biết, trên thế giới có rất nhiều cầu thủ trẻ như Mario Balotelli hay Robinho, Adam Johnson đều từng một thời làm trao đảo giới túc cầu vì tài năng thiên bẩm. Nhưng rồi, chính những sai lầm tuổi trẻ đã vùi lấp tên tuổi của họ đi vào dĩ vãng.
Sự thiếu chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cầu thủ rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển và thăng tiến của chính các “mầm non” trong môi trường bóng đá hiện tại. Không chỉ vậy, việc này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến tập thể và kết quả thi đấu chung của toàn đội. Vậy, làm thế nào để những "búp măng non" đó trưởng thành và tỏa sáng cùng nền thể thao nước nhà?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở độ tuổi trẻ và khi được gắn vào cái danh “sao mai”, gia đình sẽ là nền tảng giáo dục tốt nhất cho các cầu thủ. Mặc dù không có nhiều thời gian bên cạnh con em, nhưng những khi có thể, gia đình cần kết hợp với đơn vị chủ quản để uốn nắn các em. Bên cạnh đó, câu lạc bộ và đội tuyển cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các cầu thủ trẻ, đồng thời có những quy định, kỷ luật nghiêm minh và các cơ quan chức năng khi cần cũng cần phải xử lý đủ sức răn đe.
Đó là các yếu tố bên ngoài, còn quan trọng hơn là bản thân mỗi cầu thủ trẻ cần ý thức được trách nhiệm của mình, rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ gìn kỷ luật và chuyên môn để có thể phát triển và thành công trong sự nghiệp.
Tương lai của bóng đá Việt Nam nằm trong tay những cầu thủ trẻ. Và vì thế, hãy cùng chung tay giáo dục, dìu dắt các em, không để những "thói hư" làm hỏng tương lai của những "mầm non" và thậm chí còn tạo động lực để tiếp tục sản sinh ra các lứa cầu thủ kế cận vượt trội hơn về mọi mặt.