Chiến sự Nga-Ukraine ngày 8/10/2024: Mỹ có ý định ‘Âu hóa’ xung đột; khả năng chia cắt Ukraine là vô căn cứ Xung đột Nga-Ukraine: Tác động toàn cầu và những thách thức chưa từng có |
Nhận định trên là của bà Sahra Wagenknecht, người sáng lập và đồng chủ tịch đảng “Liên minh Sahra Wagenknecht - Lý trí và công lý” (BSW).
“Có một kế hoạch hòa bình tốt từ Brazil và Trung Quốc. Tôi muốn Đức và EU ủng hộ các sáng kiến tương tự”, bà Wagenknecht nói trong cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke.
Đức nên gây áp lực với Ukraine để giải quyết xung đột. Ảnh: RIA |
Theo bà, Trung Quốc có thể gây áp lực lên Nga về vấn đề giải quyết xung đột và Đức “nên làm điều tương tự với ông Zelensky, để cả hai bên buộc phải thỏa hiệp”. “Sẽ không có hòa bình nếu không có sự thỏa hiệp”, nghị sĩ Đức nhấn mạnh.
Đồng thời, bà lưu ý, xung đột ở Ukraine không thể được giải quyết bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev.
“Chúng tôi cần nhiều nỗ lực ngoại giao hơn. Yêu cầu đó không trở nên sai lầm vì đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng đang đưa ra yêu cầu tương tự”, bà Wagenknecht nói.
Ông Zelensky nêu thời điểm chấm dứt chiến sự
Tổng thống Zelensky đã thăm Berlin và gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine. Ông nói, Ukraine muốn chấm dứt chiến sự chậm nhất là vào năm sau, năm 2025.
Tại Berlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận an ninh Ukraine - Đức trong năm tới, về công việc đang được các liên doanh sửa chữa xe bọc thép tại Ukraine thực hiện và việc triển khai sản xuất vũ khí chung.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cho hay, ông Zelensky cũng đã mời Thủ tướng Scholz xem xét tài trợ cho việc sản xuất xe tầm xa của Ukraine.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi là viện trợ không giảm trong năm tới. Chúng tôi muốn chấm dứt chiến sự chậm nhất là vào năm sau, năm 2025 và đảm bảo hành động của Nga sẽ không tái diễn. Kế hoạch này là cầu nối để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình hiệu quả”, ông Zelensky nói.
Theo ông, kế hoạch này không thay thế sáng kiến hòa bình của Ukraine mà củng cố vị thế của nước này trong việc đưa hòa bình đến gần hơn.
"Chúng tôi có thể thực hiện điều này thông qua sự hợp tác với tất cả các đối tác và chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.
Khoảnh khắc pháo tự hành Caesar Pháp nổ tung vì trúng hỏa lực của Nga
Quân đội Nga mới đây tuyên bố đã dùng UAV tấn công một khẩu lựu pháo tự hành Caesar do Pháp sản xuất ở khu vực tiền tuyến Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng trinh sát của nước này đã phát hiện lựu pháo Caesar trong một khu rừng rậm ở Sumy, đông bắc Ukraine và giáp biên giới với Nga.
Quân đội Nga sau đó đã triển khai UAV tấn công tầm trung và tầm xa (MALE, Medium Altitude Long Endurance) Inokhodets phóng tên lửa có dẫn đường bằng laser Kh-BPLA vào mục tiêu.
Đoạn video do quân đội Nga công bố cho thấy một vụ nổ lớn tại hiện trường sau khi phần chứa đạn dược của khẩu lựu pháo Pháp bị trúng hỏa lực tập kích. Một số binh sĩ Ukraine vội vàng tháo chạy khỏi vị trí bắn sau sự cố.
Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine đã tích cực sử dụng các hệ thống pháo binh do phương Tây cung cấp, bao gồm cả lựu pháo tự hành Caesar, trong chiến dịch đột kích xuyên biên giới vào Kursk của Nga từ đầu tháng 8.
Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Inokhodets là UAV bay ở độ cao trung bình với độ bền lâu hay còn gọi là UAV MALE. Loại UAV này đã được cả Nga và Ukraine tích cực sử dụng ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Nhưng sau đó, hiệu quả tấn công của chúng kém dần do cả hai bên đều triển khai vũ khí phòng không hạng nặng và các phương tiện cảnh báo sớm. Những UAV lớn thậm chí có thể bị tiêu diệt mà chưa kịp tập kích mục tiêu.
Tuy vậy, bản chất cơ động của các cuộc giao tranh tại Kursk, cũng như việc các lực lượng Ukraine thiếu sự phòng vệ kỹ càng đã cho phép UAV MALE quay trở lại hoạt động và phát huy tác dụng. Theo ước tính của quân đội Nga, có tới 127 xe tăng, 95 xe bọc thép chở quân, gần 800 xe bọc thép khác của Ukraine đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh ở Kursk.
UAV Inokhodets thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10/2016. Ngoài các tên lửa chống tăng có điều khiển, UAV này có thể được trang bị bom dẫn đường KAB-20, KAB-50, bom lượn UPAB-50, bom rơi tự do FAB-50.
Tất nhiên, các loại bom này có sức công phá kém hơn so với bom hạng nặng FAB-500 hoặc FAB-1000 được thiết kế cho máy bay ném bom. Nhưng nhiệm vụ của UAV là tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao chứ không phải phá hủy khu vực rộng.