Đàm phán Chính phủ Việt Nam – Đức về hợp tác phát triển giữa hai nước đã được diễn ra từ ngày 20 – 23/7 vừa qua dưới hình thức trực tuyến. Đây là cuộc đàm phán chính phủ đầu tiên với Việt Nam sau khi Việt Nam được xếp hạng mới là “Nước đối tác toàn cầu” trong khuôn khổ chiến lược mới về hợp tác phát triển của Chính phủ Liên bang, nhấn mạnh vai trò là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Hai nước đã quyết định mở rộng hợp tác trong các chủ đề cốt lõi “Đào tạo và Tăng trưởng bền vững cho việc làm có chất lượng”, “Trách nhiệm đối với hành tinh của chúng ta – Khí hậu và Năng lượng” và “Bảo vệ các cơ sở sống của chúng ta – Môi trường và các Nguồn tài nguyên thiên nhiên” cũng như ngoài ra còn có các chủ đề “Y tế/Đại dịch/ ONE HEALTH” và “Hòa bình và Hợp tác xã hội”.
Cuộc đàm phán đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến |
Với những khoản cam kết thêm tối đa là 113,5 triệu Euro, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang (BMZ) hỗ trợ Việt Nam trong hai năm tới triển khai mô hình phát triển bền vững của mình và đảm nhận nhiều hơn nữa trách nhiệm toàn cầu. Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang cam kết thêm 30 triệu Euro cho giai đoạn tài trợ tiếp theo trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến khí hậu quốc tế, để tài trợ cho các dự án đa dạng sinh học và khí hậu tại Việt Nam.
Trong hai năm tới, quan hệ hợp tác tập trung trước hết vào các lĩnh vực Bảo vệ khí hậu toàn cầu, Hội nhập kinh tế và Thích ứng với biến đổi khí hậu, Bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như kết nối mạnh mẽ hơn với các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Ngoài ra Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam khắc phục tính trạng thiếu nhân lực chuyên môn và hỗ trợ tăng cường các chuỗi cung ứng bền vững. Trong khuôn khổ bảo vệ sức khỏe toàn cầu và phòng ngừa đại dịch, Đức tư vấn cho Việt Nam trong công tác chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và tránh những bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật.
Việt Nam và Đức là hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác bền chặt. Đức là một trong những nước cung cấp viện trợ ODA thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính. Các dự án của Đức tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các dự án trong lĩnh vực dạy nghề, đào tạo điều dưỡng viên của Đức dành cho Việt Nam không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu lao động đang thiếu hụt tại Đức, mà còn mở ra cơ hội cho thanh niên Việt Nam được học tập, trải nghiệm và làm việc trong môi trường tiên tiến tại Đức.
Trong nhiều năm liên tiếp, Đức là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu. Kể từ ngày 1/8/2020, hiệp định thương mại giữa Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo động quan trọng cho việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, việc trao đổi giữa hai nước và hai nền kinh tế lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì chỉ có thị trường mở và thương mại tự do mới có thể giúp vượt qua khủng hoảng cũng như thúc đẩy nền kinh tế hai nước.