Đưa doanh nghiệp Nhà nước về đúng vai trò đích thực
Hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện để doanh nghiệp phát huy đúng vai trò của mình |
Khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: buổi tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia, các nhà khoa học về tình hình kinh tế đất nước, về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và là căn cứ để xây dựng các luận cứ khoa học, góp phần chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
“Hội đồng Lý luận Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là lực lượng nòng cốt biên tập, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và được giao nghiên cứu, tổng kết, xây dựng Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện cương lĩnh của Đảng”, ông Nguyễn Văn Thạo nhấn mạnh
Trong phát biểu của mình tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Nhà nước và tư nhân có mặt tại tọa đàm đều nhấn mạnh, đã đến lúc phải đáp ứng được đòi hỏi của tình hình là cần đến một tư duy mới đột phá trong nhận thức về kinh tế thị trường, và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
“Cần nhất là một tư duy mới đột phá trong tổ chức xây dựng hệ thống luật pháp chính sách kinh tế và thực thi pháp luật chính sách của Việt Nam theo hướng phù hợp với pháp luật quốc tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính để sớm tạo ra một tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hoạt đông hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp cao”, GS, TS. Đỗ Đức Bình- Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nêu vấn đề.
Vấn đề hiệu quả thực thi pháp luật cũng được chuyên gia kinh tế -GS.Lê Du Phong nhấn mạnh tại tọa đàm. Theo ông Phong, tính riêng từ năm 2008 đến nay, nước ta đã ban hành được trên 120 luật liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa song nổi lên là chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.
Bởi vậy theo GS.Phong để các tập đoàn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò với phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo hướng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và hội nhập quốc tế.
GS.Phong cũng thẳng thắn đề xuất trả lại cho tập đoàn kinh tế Nhà nước vai trò mà ông gọi là “đích thực”, đó là doanh nghiệp. Theo hướng này, hãy mạnh dạn xóa bỏ bộ chủ quản, cơ quan chủ quản. Về nhân sự không nên đưa công chức Nhà nước với chức vụ hàm này, hàm nọ sang tập đoàn làm lãnh đạo nữa mà nên tuyển chọn thông qua thi cử. Tách trách nhiệm xã hội ra khỏi chức năng của các tập đoàn này khỏi chức năng nhiệm vụ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
“Khi Nhà nước cần các tập đoàn này tham gia vào một hoạt động xã hội nào đó, Nhà nước phải có hợp đồng thuê mướn rõ ràng, chi trả sòng phẳng”, ông Phong nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu giải quyết được những vấn đề trên, cộng với việc cần tập trung rà soát và kiên quyết loại bỏ các điều kiện, các thủ tục hành chính gây ra sự nhiêu khê, phiền hà, nhũng nhiễu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, các tập đoàn kinh tế nói riêng thì những tiền đề hạn chế các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng sẽ bị triệt tiêu.
Theo TS.Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản phát triển, các Tập đoàn và các tổng công ty Nhà nước vẫn còn những tồn tại liên quan đến hiệu quả còn chưa tương xứng với nguồn lực và ưu đãi của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, những kiến nghị tâm huyết, những ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn tại tọa đàm sẽ được thể hiện thành những đổi mới trong quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm.