Đề xuất sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh |
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân
Sáng 21/4/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) |
Theo đó, mục tiêu xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.
Đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.
Hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phần lớn nội dung Hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, bổ sung theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 (tháng 02/2022).
Tại sao chỉ cấp giấy phép hành nghề cho y sỹ thuộc lực lượng vũ trang?
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tiến hành đánh giá, tổng kết và bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là về nguồn nhân lực cũng như tài chính, đối với những chính sách có thay đổi về nội dung hoặc phát sinh nội dung mới của dự án Luật.
Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế và thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực y tế trong dự án Luật.
Đáng chú ý, về chức danh phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh (Điều 18), đối với ‟y sỹ”, việc dự thảo Luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác, một mặt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở, mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.
"Do đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này" - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, y tế là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, cộng đồng nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. "Do đó trong luật sửa đổi cần nhấn cái gì kế thừa?, cái gì cần sửa đổi bổ sung?, đặc biệt báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật cần đánh giá rõ hơn, nhất là những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Phương cũng cho rằng, cần bao quát hơn trong cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ chứ không chỉ cấp cho lực lượng vũ trang. Nếu chỉ cấp cho lực lượng vũ trang vậy khi họ ra khỏi ngành thì nghỉ à?, như thế có lãng phí không. "Như quân nhân chuyên nghiệp cũng chỉ 53 tuổi là nghỉ. Trong khi họ vẫn đủ sức khỏe, trình độ đang độ chín nhưng hết tuổi vậy nếu không cấp nữa thì có đào tạo, chuyển nghề hay không là vấn đề cần nghiên cứu" - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo ông Phương, việc lương y và người có bài thuốc gia truyền sau 5 năm tiếp tục cấp phép lại vậy sau 5 năm sẽ thẩm định lại như thế nào để cấp tiếp? Vì lương y là y học cổ truyền nên cần đánh giá cấp phép sao cho phù hợp. "Nhiều lương y có bài thuốc gia truyền chỉ truyền trong gia đình, hoặc chỉ truyền cho 1 học trò, không truyền rộng ra ngoài. Ngay cả người đi thẩm định còn không biết trình độ của họ như thế nào thì biết gì mà đánh giá" - ông Trần Quang Phương lưu ý.