Chưa bám sát thực tế
Nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các chính sách liên quan là nội dung được gây tranh cãi nhiều nhất từ phía cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia và người dân. Tại Hội thảo lấy ý kiến DN cho Dự thảo Luật diễn ra vừa qua ở Hà Nội, đại diện nhiều DN đã cho rằng, quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường là cần thiết để lựa chọn dự án, tránh lãng phí nguồn lực cho nhà đầu tư. Trong các nghị định hướng dẫn, nên phân định rõ dự án nào phải đánh giá, tránh rườm rà thủ tục hành chính. Đối với quy định về ĐTM, phải thực hiện trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trên thực tế, hầu hết DN không thực hiện được và không phù hợp với thực tế, nên quy định ĐTM trước thời điểm cấp giấy phép xây dựng là phù hợp nhất.
Còn theo văn bản đóng góp ý kiến cho Dự thảo của Bộ Công Thương, thời gian qua, việc triển khai thực hiện ĐTM và các thủ tục liên quan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống chính sách thay đổi; các khái niệm mới liên tục được các cơ quan nhà nước ban hành, mặc dù về bản chất, nội dung không thay đổi. Điều này khiến DN, cơ quan quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn thực thi, đặc biệt áp dụng quy định hồi tố pháp luật đối với DN. Do vậy, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các quy định này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt tính ổn định của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, dự thảo quy định "ĐTM phải được thực hiện bởi chủ dự án hoặc tổ chức đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Chính phủ" tại Điều 38, sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, cách đây 15 năm, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã quy định về nội dung này và không thực thi được trên thực tế. Do vậy, cần xem xét loại bỏ quy định vì vừa phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vừa không phù hợp với thực tiễn hiện nay…
Thiếu tính thống nhất
Đối với nội dung quản lý chất thải, ông Nguyễn Trí Thâm - Trung tâm Nghiên cứu môi trường và phát triển cộng đồng - cho rằng, tại 3 mục (Mục 2 - Quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Mục 3 - Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; Mục 4 - Quản lý chất thải nguy hại) cần viết lại theo hướng thống nhất về cách tiếp cận quản lý chất thải theo tính chất để đồng bộ trong văn bản luật.
Thông qua lấy ý kiến trên trang web http://duthaoonline.quochoi.vn/ của Văn phòng Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại Điều 54 và 55 của Dự thảo Luật do chưa rõ ràng ở khái niệm khu kinh tế và khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung. Cần xem lại trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP để tránh nhầm lẫn giữa Ban quản lý KKT và các công ty đầu tư hạ tầng KCN, KKT.
Nên có quy định về cơ chế cho phép các cơ sở xử lý chất thải cấp vùng, tỉnh có công nghệ tiên tiến được phép xử lý chất thải cho các địa phương khác có hạ tầng công nghệ xử lý lạc hậu, mục đích để kiểm soát việc gây mất ổn định về an ninh trật tự do vấn đề xử lý chất thải gây ra. Nếu tạo cơ chế liên kết vùng, tỉnh trong quy hoạch xử lý chất thải, sẽ góp phần hạn chế các vấn đề tiêu cực nêu trên, giảm áp lực giải quyết cho chính quyền địa phương.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng tại khoản 3, Điều 19 (chương II) có ghi rõ: Ngày 1/1/2023, các tổ chức thẩm tra Báo cáo ĐTM mới bắt đầu được cấp phép hành nghề. Vậy trong 2 năm, từ năm 2021 - 2023, phải thẩm tra báo cáo ĐTM ở đâu, như thế nào? |