Resort Topas Ecolodge - một trong 10 khu resort xanh nhất thế giới |
Những năm gần đây, phát triển du lịch xanh trở thành xu hướng phát triển nhanh ở nhiều nước trên thế giới, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch cũng như cộng đồng xã hội. Tại Việt Nam, trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ cũng đặt trọng tâm phát triển du lịch theo hướng bền vững, "xanh hóa".
Thực hiện mục tiêu này, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người làm du lịch cũng đã đề xuất giải pháp góp phần đưa du lịch xanh trở thành mũi nhọn của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển "nóng". Để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt tập trung ở địa bàn ven biển như: Nha Trang, Phú, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hạ Long, Sầm Sơn… đã gia tăng. Việc phát triển nhanh kéo theo hệ lụy về rác thải ra môi trường; sử dụng điện năng gia tăng; nhiều điểm đến bị xuống cấp… Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã phải hứng chịu hậu quả như sạt lở bãi tắm, xâm nhập mặn ở Hội An, Cà Mau, Mũi Né, Huế.
Du lịch là ngành tổng hợp đặc thù, những tác động của nó đối với nền kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường là tất yếu. Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa nhân văn phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc áp dụng tăng trưởng xanh trong xây dựng sản phẩm và dịch vụ là một lợi thế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá có thể áp dụng các sáng kiến nhanh và hiệu quả hơn bởi tính linh động, nhạy bén.
Trong bối cảnh mức tăng trưởng bình quân của du lịch Việt Nam đang cao hơn thế giới, các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch xanh là xu thế tất yếu, hướng đi khả thi để giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần hướng tới việc phát triển kinh tế du lịch có trách nhiệm đối với tài nguyên và môi trường, tôn trọng các giá trị tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích thu nhập cho cộng đồng bản địa. Thời gian qua, có nhiều giải thưởng du lịch uy tín thế giới xướng tên Việt Nam ở hạng mục thân thiện với môi trường như: Tạp chí National Geographic công nhận Resort Topas Ecolodge (Sa Pa) là một trong 10 khu resort xanh nhất thế giới - nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời dành cho du khách yêu môi trường; Trips to Discover bình chọn Six Senses (Côn Đảo) nằm trong top 11 khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới...
Ông Steven Schipani - Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á ở khu vực Đông Nam Á: Việt Nam cần thực hiện tốt kế hoạch đối với du lịch xanh như phát triển các thành phố xanh, hệ thống giao thông công cộng, đề ra giải pháp giảm khí thải… |