Thị trường khách sạn đã trở lại tầm ngắm của các nhà đầu tư Đặt khách sạn theo giờ có giúp thị trường khách sạn hồi sinh? |
Theo Savills, sau khi giãn cách xã hội kết thúc vào quý IV/2021 và đường bay quốc tế phục hồi vào tháng 3/2022, tình hình hoạt động của các khách sạn TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện. Cụ thể là nguồn cung tăng 5% theo quý và 14% theo năm đạt gần 15.200 phòng từ 108 dự án trong vòng nửa đầu năm 2022. Trong các tháng cuối năm nay, dự kiến có gần 600 phòng từ ba dự án mới tại quận 1, bao gồm SOTETSU Hotel, Fusion Original và Hilton Saigon.
Khách quốc tế đến tăng giúp các khách sạn kinh doanh khởi sắc trở lại |
Về công suất phòng trung bình đạt 39%, tăng 19 điểm phần trăm theo quý và 21 điểm phần trăm theo năm. Giá phòng trung bình đạt 1,4 triệu VNĐ/ phòng/đêm tăng 12% theo quý nhưng giảm 13% theo năm, phần lớn là do sự chuyển đổi của các khách sạn cách ly có giá phòng cao.
Theo các khách sạn thì mùa du lịch hè 2022 là điểm sáng giúp kéo công suất phòng tăng đáng kể bởi nhiều khách sạn đã đạt mức 85 - 90% so với con số 10 - 20% hồi đầu năm 2022, ngoài ra, các khách sạn còn cho biết mức công suất phòng còn có thể tăng cao hơn nếu tình trạng thiếu nhân sự buồng phòng được cải thiện sớm.
“Một số khách sạn ở thành phố đã cải thiện công suất nhờ nhu cầu phục hồi của khách công tác và khách du lịch trong nước. Một số thị trường khách mới như Ấn Độ đã xuất hiện cho cả nhu cầu công tác và giải trí. Tuy vậy thị trường sẽ được phân hóa rõ rệt, với sự chú trọng vào chất lượng hơn số lượng”- ông Mauro Gasparotti Giám đốc, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương đánh giá.
Sở dĩ tình hình hoạt động của các khách sạn dần phục hồi là tác động từ việc thành phố đã đón 765.585 lượt khách quốc tế trong vòng 7 tháng qua, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021, trong khi đó khách du lịch nội địa đến thành phố đạt hơn 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so cùng kỳ năm 2021 (theo thống kê từ Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh).
Mặc dù vậy, theo phân tích của các chuyên gia Savills, thị trường cải thiện nhưng vẫn chưa phục hồi, xuất phát từ rào cản với du lịch quốc tế. Cụ thể, thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế, tuy nhiên, nhu cầu này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Các thị trường chính như Trung Quốc và Hồng Kông vẫn đóng cửa và chính sách thị thực của Việt Nam chưa được cải thiện. Và Việt Nam duy trì một số hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài như bảo hiểm y tế, trong khi các quy định tương tự đã được Malaysia và Singapore bãi bỏ từ quý I/2022.
“So với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Singapore thì một số chính sách thu hút khách của Việt Nam vẫn còn chưa thực sự linh hoạt, tạo rào cản để kéo khách trở lại. Chẳng hạn Việt Nam cho khách quốc tế thời hạn miễn thị thực kéo dài 15 ngày song tại Thái Lan, hồi tháng 6/2022 đã đề xuất miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế và gia hạn thời gian nhập cảnh từ 30 lên 45 ngày đối với các du khách đến từ các quốc gia không yêu cầu thị thực trong nửa cuối năm 2022”- Giám đốc một Công ty lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trong bối cảnh trên, để phục hồi ngành du lịch nói chung, thị trường khách sạn nói riêng, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch, nâng cao năng lực truyền thông về các địa điểm du lịch của TP. Hồ Chí Minh để thu hút khách quốc tế. Đặc biệt, Sở Du lịch cũng đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh kéo dài thời gian tổ chức Chương trình “TP. Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” bởi hoạt động này đang phát huy tốt hiệu quả.