Du lịch nông nghiệp - giải pháp hiệu quả phát triển nông thôn Du lịch nông nghiệp: Rất cần chính sách cho các mô hình thí điểm |
Sức sống mới ở khu vực nông thôn
Theo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta rất phong phú và đa dạng, trải dài từ Bắc vào Nam, từ vùng miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, chương trình, đề án phát triển du lịch Việt Nam.
Nhu cầu trải nghiệm du lịch ở vùng nông thôn của du khách gia tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 |
Còn thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10% đến 30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.
Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá, sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm đến không gian yên tĩnh, trong lành ở các vùng quê. Vì thế, Việt Nam là quốc gia được nhiều du khách quốc tế lựa chọn du lịch, trong đó họ có nhu cầu được trải nghiệm các điểm đến vùng nông thôn.
Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, ở Việt Nam thì có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Đến nay, cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, du lịch nông thôn đang là mũi nhọn để phát triển kinh tế, có sức hút lớn với du khách. Không ít mô hình du lịch nông thôn đã thu hút du khách, như: “Mùa lúa chín” ở vùng núi Đông - Tây Bắc, du lịch sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, “Ngắm hoa cà phê” ở Tây Nguyên... Hiện các mô hình du lịch đã tạo sức hút mới cho các làng quê.
Du lịch nông thôn đã góp phần đổi thay đời sống của người dân địa phương. Nhiều địa phương dù không có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đã có chiến lược phát triển du lịch nông thôn để hấp dẫn du khách. Như tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… đang tập trung xây dựng thêm sản phẩm du lịch nông thôn mới để tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.
Ghi nhận từ Tổng cục Du lịch, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.
Đặc biệt, bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Cuộc sống ở nhiều cộng đồng làng quê trở nên khấm khá, văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP trở thành đặc sản địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ có du lịch…
Kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp
Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch nhận định, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được quan tâm đúng mức...
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, hiện phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản, du khách chủ yếu chi trả cho vé tham quan, ăn uống, lưu trú mà chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ bổ trợ. Nhiều homestay mang tính chất tự phát, dịch vụ hạn chế, thiếu định hướng về bản sắc văn hóa truyền thống.
Về sản phẩm du lịch, theo ông Long là còn thiếu tính đặc trưng, nghèo nàn, dễ trùng lặp; chưa có sự kết nối mang tính liên tỉnh, liên vùng nên chưa kéo dài được thời gian lưu trú và kết nối du khách; chưa có mối liên kết hữu cơ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn để tạo nên sản phẩm du lịch đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững khi đưa vào khai thác.
Chính phủ đề nghị đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số |
Du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành du lịch ở Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, đáp ứng xu hướng nhu cầu du lịch mới trên thế giới hiện nay.
Vì vậy, từ góc độ nghiên cứu du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trước hết, cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.
Ngoài ra, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch đó là cần xác định sản phẩm chủ đạo, đặc sắc của địa phương. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, khác biệt và đa dạng. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, nâng cao niềm tự hào về bản sắc văn hóa và truyền thống địa phương, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng và thái độ phục vụ du lịch, đặc biệt là sự chân thành, thân thiện với khách du lịch.
Để tạo bứt phá cho du lịch nông thôn, tại Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã để ra định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Mới đây, để khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn cho phát triển du lịch, tại Nghị quyết 82/CP của ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Bên cạnh đó đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.