Nghệ An phát triển du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách Du lịch Nghệ An thu hơn 300 tỷ đồng trong 4 ngày nghỉ lễ |
Vượt khó để bứt phá
Điểm đến 4 mùa đang là một thách thức lớn đối với du lịch Nghệ An. Thời gian qua địa phương này đang nỗ lực để khắc phục điểm yếu. Nghệ An từng là địa phương làm du lịch sớm trong cả nước, địa phương này có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt, trong đó dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng nhiều năm qua vẫn “đi trước về sau” trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp không khói.
Thị xã Cửa Lò đang hướng tới điểm đến 4 mùa |
Nghệ An có đầy đủ các sản phẩm du lịch, như du lịch tâm linh với các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, mua sắm; du lịch tham quan làng nghề; du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch miền núi với các sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch thể thao… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các sản phẩm du lịch của Nghệ An vẫn còn nghèo nàn và mang nặng tính mùa vụ.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, sản phẩm du lịch của Nghệ An còn đơn điệu, chưa tạo được sự khác biệt. Trong số các sản phẩm du lịch đưa ra thị trường, loại hình du lịch nghỉ dưỡng có tốc độ phát triển rất nhanh và vẫn là sản phẩm có nguồn thu lớn nhất của tỉnh. Các nguồn lực du lịch có sẵn, nhất là bãi tắm, vẫn là sản phẩm chủ đạo. Trong thực tế, Nghệ An đã có nhiều biện pháp để tăng lượng khách ngoài mùa hè nhưng kết quả còn khiêm tốn vì ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng, khách du lịch không có nhiều sản phẩm du lịch khác để lựa chọn.
Du lịch Nghệ An thiếu sức hấp dẫn đối với khách du lịch ngoại tỉnh, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm cho du khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ. Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Nguồn nhân lực du lịch và liên quan còn thiếu chuyên nghiệp… Hợp tác, liên kết giữa Nghệ An với các nước bạn Lào và Thái Lan để thúc đẩy loại hình du lịch liên quốc gia chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.
Đơn cử, từ khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Nghệ An diễn ra khá sôi nổi. Trong 8 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã đón được hơn 5,52 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.797 tỷ đồng. Tuy nhiên dù lượt khách tăng, nhưng doanh thu không cao, tỷ lệ khách nội địa chiếm đến 97%, số ngày lưu trú bình quân chỉ dao động từ 1,2-1,5 ngày.
So với tốc độ tăng trưởng của Thanh Hoá hay Đà Nẵng về mặt doanh thu, đã thấy sự chênh lệch quá xa. Khi chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hoá đã đón 10.080.000 lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 18.409 tỷ đồng. Con số này ở Đà Nẵng chỉ tính doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 11.859 tỷ đồng. Tổng số lượng khách lưu trú 8 tháng ước đạt gần 2,4 triệu lượt trong đó khách quốc tế đạt 221 nghìn lượt.
Tương lai về "du lịch 4 mùa"
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, du lịch cũng không phải ngoại lệ. Nhiều chuyên gia đã đề cập, Nghệ An muốn du lịch "lột xác" cần phải phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa giải trí... cốt lõi là thu hút được những "đại bàng" đủ năng lực. Bên cạnh đó phát triển du lịch phải liên kết chuỗi du lịch và chuỗi kết nối ngành.
Nghệ An phải thay đổi nhiều hơn nữa vì những tổ hợp du lịch của địa phương này vẫn đang chỉ tập trung vào mùa hè là chính. Khát vọng thay đổi của du lịch Nghệ An rất mạnh. Nghệ An là “đất lành” không chỉ trải thảm mà còn trải lòng đón doanh nghiệp đến đầu tư.
Quyết tâm đưa du lịch đột phá, những năm gần đây, Nghệ An đã dụng tâm đón "đại bàng" về làm tổ với những chiến lược đồng bộ, trong đó có Vingroup, Mường Thanh, Sài Gòn Tourist, Ecopark, những tập đoàn đã đưa du lịch Đà Nẵng, Hạ Long hay Phú Quốc… lột xác ngoạn mục.
Du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An thu hút khách quốc tế |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Bùi Đình Long từng chia sẻ: "Cần phải thấy rõ là sự phát triển du lịch của Nghệ An vẫn chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Sản phẩm du lịch nhiều nhưng chưa hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của du khách. Doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp nhỏ. Hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú chưa đảm bảo. Khoảng cách các điểm đến quá xa. Tính kết nối vùng, miền và các điểm du lịch chưa cao. Các điểm đến giản đơn, vệ sinh không đảm bảo. Khí hậu và thời tiết không thuận lợi. Du lịch biển đang tụt hậu với các địa phương khác, bất cập về cảnh quan, ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng chèo kéo khách…”.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp đã đồng hành với du lịch Nghệ An nhiều năm qua, theo ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, muốn Nghệ An trở thành điểm đến bốn mùa, cần có thêm những sản phẩm để phát huy lợi thế của thiên nhiên, khắc phục yếu tố mùa vụ. Phải đã tạo ra một chuỗi trải nghiệm khép kín đầy đủ nhất, từ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đón - tiễn khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sau này sẽ là mua sắm, tận hưởng không gian hưởng thụ đẳng cấp sang trọng...
“Những lễ hội, sự kiện cũng sẽ được chúng tôi không ngừng bồi đắp cho điểm đến, để Nghệ An không ngừng hấp dẫn với du khách. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, có lẽ chúng ta vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng biển, rừng, đảo còn bỏ ngỏ của Nghệ An. Cần bổ sung với những trải nghiệm, sản phẩm độc đáo hơn nữa, đưa điểm đến tiến xa hơn và phát triển bền vững hơn”, ông Hiển chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm để phát triển điểm đến bốn mùa cũng là mong muốn của những người làm du lịch Nghệ An. Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi. Nghệ An đã sẵn sàng để đưa du lịch thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới, đồng thời phấn đấu đưa Nghệ An trở thành điểm đến bốn mùa. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động thêm nhiều sản phẩm mới như du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch khám phá... Chúng tôi cùng với các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng du lịch Nghệ An trở thành điểm đến bốn mùa”.
Nghệ An đã mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Nghệ An năm 2022. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ 3,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 10.000 lượt, tăng 107% so với thực hiện năm 2021. Ngành du lịch đang tập trung kết nối các điểm đến, tiếp cận thị trường khách mới, phát triển sản phẩm du lịch để tiếp tục thu hút du khách.
Ngoài các hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An, phát động và ký kết triển khai chương trình “Trở lại Bắc Trung bộ năm 2022” giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Sở Du lịch Nghệ An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội. Tổ chức hội nghị triển khai mở cửa hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế năm 2022...
Sở Du lịch đang xây dựng Kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch Thu - Đông năm 2022. Trọng tâm là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch. Trong đó, “Chúng tôi tập trung quảng bá các điểm du lịch văn hóa - tâm linh và các sản phẩm du lịch đặc trưng ở miền Tây Nghệ An”, ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An thông tin.