Hà Giang hướng tới trở thành trọng điểm du lịch của vùng núi phía Bắc |
Xung đột cung - cầu
Năm 2016, Hà Giang đón 853,746 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 176,537 lượt, khách nội địa đạt 677,209 lượt; doanh thu đạt 795 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Đây là kết quả thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành du lịch tỉnh thời gian qua. Song, so với tiềm năng, lợi thế thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, cần nhiều xung lực mới để tăng tốc phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại Hội nghị Xúc tiến du lịch Hà Giang được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành bày tỏ, Hà Giang hiện quảng bá quá mạnh, nhất là vào các thời điểm mùa lúa, hoa tam giác mạch mà không tính đến sức chứa, hạ tầng…, gây xung đột cung - cầu. Thực tế, hạ tầng cơ sở của tỉnh vẫn là rào cản lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách, nhất là phân khúc “cao cấp”. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, còn 42 khách sạn 1 sao và hơn 150 nhà nghỉ, homestay.
Ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ - cho hay, khách đến tham quan các thắng cảnh ở Đồng Văn rất đông như: Cao nguyên đá, chợ phiên, đỉnh Mã Pì Lèng... nhưng sức chứa khiêm tốn, du khách phải qua Mèo Vạc ngủ rồi quay lại thăm tiếp. Ngoài ra, thời gian làm thủ tục cho khách quốc tế rất lâu, gây bức xúc cho du khách lẫn doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - thừa nhận, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân gần 3,25%/năm, nhưng du lịch địa phương còn có những hạn chế và bất cập. “Du lịch Hà Giang đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, lại thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, tỷ trọng ngành du lịch GDP thấp, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh…” - ông Sơn nhấn mạnh.
Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư
Hà Giang đang phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng văn hóa các dân tộc thiểu số; cải thiện hơn nữa chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp đưa khách đến huyện giáp biên giới; đẩy mạnh cải tạo hạ tầng giao thông, tăng cường e-marketing, xác định loại hình du lịch trọng tâm.
Lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào 4 lĩnh vực, gồm: Hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, làng văn hóa và hang động. “Tới đây, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, hỗ trợ đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục nhanh gọn. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận với các nhà đầu tư” - ông Triệu Tài Vinh - Bí thư tỉnh ủy Hà Giang - cam kết.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khôi phục một số lễ hội truyền thống của Hà Giang để tạo sản phẩm thu hút khách du lịch; nghiên cứu cơ chế, chính sách hiến kế cho Hà Giang khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng… |