Mở cửa du lịch quốc tế là xu hướng tất yếu hiện nay của thế giới. Đặc biệt, những điểm đến có chính sách mở cửa thông thoáng và thủ tục đơn giản sẽ được nhiều du khách quan tâm. Nhằm tạo mọi điều kiện phục hồi nhanh cho ngành du lịch, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương rất kịp thời, trong đó đến nay đã gỡ bỏ mọi hạn chế về xuất nhập cảnh cũng như cởi mở hơn về vấn đề y tế. Đặc biệt, theo Tổng cục Du lịch, triển vọng về quá trình mở cửa du lịch quốc tế bước đầu đã có những tín hiệu tích cực khi lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng mạnh.Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ năm 2021.
Tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến Việt Nam |
Có thể nói, cơ hội vực dậy các hoạt động đang rất rộng mở đối với ngành du lịch cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Ngoại giao, trước mắt ngành du lịch chưa thể phục hồi ngay bởi nhiều nước chưa phục hồi chính sách nhập cảnh; một số nước khuyến cáo công dân chưa nên đến Việt Nam thời điểm này; Trung Quốc đang đuổi chính sách “Zero Covid” và áp dụng chính sách hạn chế xuất nhập cảnh đối với công dân… Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh, việc mở cửa thời điểm hiện nay là để tăng tốc triển khai, chuẩn bị các sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng đón khách vào mùa du lịch quốc tế từ tháng 9 đến đầu năm 2023.
Cùng với đó, suốt thời gian khủng hoảng vì dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, vì thế để tái mở cửa thành công các địa phương và doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đề nghị, Chính phủ hỗ trợ địa phương triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ra quốc tế; ngành hàng không nghiên cứu mở thêm đường bay mới tới sân bay Vân Đồn.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - đề xuất, các cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ cung cấp thông tin đối tác sở tại; các cơ quan quản lý có cơ chế phối hợp định kỳ; hỗ trợ nguồn lực quáng bá, đào tạo lại lao động; tổ chức các sự kiện quốc tế để thu hút khách. Phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways - cho rằng, địa phương cần có định hướng cụ thể để doanh nghiệp có thể triển khai đồng bộ việc mở cửa du lịch.
Về lâu dài, nhằm tăng sức cạnh tranh cho điểm đến, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Du lịch quốc gia (TAB) - cho hay, cần cải thiện hơn nữa về chính sách miễn thị thực, nên công bố rộng rãi kế hoạch mở cửa với thế giới nói chung và đặc biệt là cho các thị trường trọng điểm. Doanh nghiệp du lịch cần điều chỉnh và xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách; có các biện pháp kiểm soát chi phí, sáng tạo mô hình kinh doanh mới, liên kết kinh doanh với các đối tác mới, nhất là liên kết giữa ngành lữ hành, lưu trú và vận chuyển để tạo ra các gói sản phẩm có giá phù hợp và tương xứng với chất lượng, đồng thời đưa ra chính sách đặt chỗ linh hoạt, điều chỉnh giá hay hoãn hủy dịch vụ do dịch bệnh.
Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Du lịch quốc gia: Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giảm thiểu các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ để hồi sức kinh doanh. |