Khó khăn vẫn chồng chất
Năm 2020, ngành công nghiệp không khói Việt Nam đã bị thất thu khoảng 23 tỷ USD, và khoảng 95% doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. DN kinh doanh dịch vụ lưu trú trong nước cũng “thoi thóp”, do nhu cầu đi du lịch của người dân là có, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, cùng lo lắng về dịch bệnh khiến nhiều người đắn đo.
Có những lúc, du lịch Hà Nội trở về thinh không |
Nhà nước đã có những chính sách miễn giảm thuế, giảm chi phí môi trường cho DN du lịch, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…Tuy nhiên, để tồn tại thì DN không chỉ nhờ vào gói hỗ trợ của nhà nước mà cần có khách du lịch. Nhưng không có khách, lại vẫn bị thất thu do phải duy trì một số hoạt động tất yếu, nên có tới 90% DN du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện không hoạt động, 10% DN hoạt động cầm chừng. DN làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. DN lữ hành quốc tế cũng tới 90% nhân sự nghỉ việc không lương.
Bên cạnh khó khăn dịch bệnh, quy định DN lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu đồng, giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bị áp giá điện dịch vụ khiến DN trong ngành khó khăn chồng chất khó khăn. Và lúc này, những DN đang hoạt động cầm chừng chỉ biết xoay xở thêm nhiều ngành nghề khác nhau, cùng niềm hy vọng dịch bệnh sớm bị đẩy lùi để có thể tồn tại.
Đáng lo ngại, đại dịch Covid-19 đã, đang gây ra tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các DN du lịch, lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống…; kèm theo đó là nguy cơ gây ra nợ xấu, nợ quá hạn vốn tín dụng ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất việc làm kéo dài.
Thời gian trở lại còn bỏ ngỏ
Không thể để gục ngã, nhưng trong bối cảnh như hiện nay thì hàng chục nghìn DN ngành du lịch trên cả nước một mặt chỉ hy vọng dịch bệnh qua mau, một mặt đang mong mỏi những chính sách hỗ trợ của nhà nước đến sớm để vượt qua được khó khăn.
Trước tình hình đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ DN kinh doanh hoạt động du lịch như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp.
Được biết, năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019. Còn 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ thống kê trong thời điểm hiện nay, có 95% đại lý lữ hành dừng hoạt động; 267/1.191 DN lữ hành quốc tế, 11/103 DN lữ hành nội địa phải rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động DN, đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; doanh thu của dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước giảm 90 - 98% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn tại Đà Nẵng, mới đây, UBND thành phố cũng đã đồng ý chủ trương giao các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp. Khoảng thời gian vay từ 3-5 năm được tính toán dựa vào ước lượng thời gian ngành du lịch phục hồi, người lao động lại có việc làm và có thu nhập để hoàn trả khoản vay.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện đã có một số đối tác tại châu Âu hỏi về kế hoạch mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam, nhưng câu trả lời còn để ngỏ. Bởi, Việt Nam vẫn đang trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và thực tế có rất ít người dân được tiêm chủng. Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang tích cực kêu gọi, động viên các DN tham gia chương trình xã hội hóa tiêm vắc xin Covid-19 – một trong những giải pháp tốt nhất để an toàn vượt qua đại dịch.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cũng chia sẻ, với tình hình hiện nay không thể dự đoán được bao giờ du lịch sẽ phục hồi. Bây giờ chỉ hy vọng vào vắc xin, miễn dịch cộng đồng. Nếu dịch bệnh quay lại thì DN càng khó khăn hơn. DN du lịch mong Chính phủ nhanh chóng tiếp cận các nguồn vắc xin, ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch, đó mới giải pháp căn bản, lâu dài để DN không phải thấp thỏm lo dịch bệnh quay trở lại.
Dự tính, nếu hết tháng 6/2021, dịch Covid-19 được kiềm chế thì cũng phải đến năm 2024 hoạt động ngành du lịch, hàng không... mới có thể phục hồi như năm 2019. |