Cải cách chính sách tiền lương: Mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng Điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm, kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức |
Cụ thể, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ để trình các cấp có thẩm quyền dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện chế độ tiền lương mới đồng bộ, thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Theo đó, giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm. Ảnh: TTXVN |
Để thực hiện các nội dung theo chế độ tiền lương mới, theo ước tính của Bộ Tài chính, kinh phí ngân sách phải chi tăng thêm cho cải cách tiền lương khu vực công rất lớn.
Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là gần 500 nghìn tỷ đồng. Với số ngân sách này, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ được 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng, mang tính chất quyết định việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Nguồn lực để thực hiện chính sách tiền lương là rất lớn. Vì vậy, ngay trong Nghị quyết 27, Trung ương đã yêu cầu "quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương".
Ngay từ năm 2018, các bộ ngành, địa phương đã chuẩn bị nguồn để cải cách tiền lương. Đó là nguồn từ việc cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, 40% tăng thu của ngân sách trung ương (áp dụng từ năm 2018), 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương (áp dụng từ năm 2019). Ngoài ra, nguồn tiền từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên; từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế… cũng được dùng để cải cách tiền lương.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã chủ động bố trí nguồn cải cách tiền lương theo yêu cầu của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành Trung ương, địa phương với quyết tâm rất cao để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Căn cứ nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27, chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gồm 6 nội dung.
Trong đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, gồm 5 bảng lương: 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Cùng với đó, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). Hoàn thiện chế độ nâng lương đồng bộ với ban hành bảng lương mới.