Quốc hội thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm Rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 |
Tiếp tục phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV chiều ngày 18/9.
Báo cáo việc chuẩn bị cho kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, sau khi tổng hợp ý kiến của Chính phủ, các cơ quan, tình hình thực tế hồ sơ, tài liệu, kỳ họp 6 dự kiến khai mạc vào ngày 23/10, bế mạc 29/11.
Kỳ họp 6, kéo dài trong 25 ngày làm việc và chia làm 2 đợt họp tập trung. Đợt 1 kéo dài 20,5 ngày làm việc, từ ngày 23/10 đến 16/10. Đợt 2 kéo dài 4,5 ngày, từ ngày 24/11 đến sáng 29/11.
Một trong những nội dung đáng chú ý, tại kỳ họp 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Dự kiến Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh ngay đầu Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Ảnh minh họa |
Theo dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ngay cuối chiều ngày khai kỳ họp (23/10).
Ý kiến đề nghị của Ban Công tác đại biểu đề xuất, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 sẽ được tiến hành trong 3 phiên họp. Theo đó, chiều ngày 23/10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm do Ban Công tác đại biểu trình, sau đó tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng ngày 24/10, sau khi báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều 24/10. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội được tiến hành theo Nghị quyết 96 vừa được Quốc hội thông qua hôm 23/6 tại kỳ họp 5.
Theo Nghị quyết 96, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng là những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu cho hay, những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Với quy định mới này, Quốc hội sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Cả 5 nhân sự này đều được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Như vậy, dự kiến tại kỳ họp 6 này, Quốc hội dự kiến lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Cũng theo quy định tại Nghị quyết 96, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm.
Đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2018, các đại biểu Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người; năm 2014 là 50 người.