Thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ và có chuyển biến tích cực Ngân hàng Nhà nước xác nhận sẽ sửa Thông tư 06 về cho vay bất động sản Thêm liều “doping” niềm tin cho bất động sản |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp |
Trình bày báo cáo công tác triển khai, kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mục đích kế hoạch giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Về nội dung giám sát gồm: Việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trong đó, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, tập trung giám sát các nội dung về: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản; công tác quy hoạch (liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản; tác động, ảnh hưởng của các quy hoạch đến sự phát triển của thị trường bất động sản; giám sát quy hoạch…).
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản (quy mô, số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động, giải thể, phá sản; năng lực tài chính; thực hiện các chính sách về thuế và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản); việc triển khai các dự án bất động sản (Chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư để thực hiện dự án bất động sản).
Việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản (Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; công tác thu hồi, đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất đối với dự án bất động sản; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất); chuyển nhượng dự án bất động sản; các loại hình bất động sản mới.
Đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản; hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản (tín dụng bất động sản, tín dụng cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản, cấp tín dụng bất động sản, hạn mức tín dụng cho bất động sản, phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ, bảo lãnh của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;
Các nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản - nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động từ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản và các nguồn vốn khác); kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản.
Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; công tác tiếp nhận, thụ lý, điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản; tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, tập trung giám sát các nội dung về: Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm: trình tự, thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi đối với đầu tư, dự án xây dựng nhà ở xã hội).
Loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; Việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; Về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Nội dung giám sát tiếp theo là tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.
Về đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước. Về phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước; thời gian từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 .
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương gồm: Bộ, ngành, cơ quan (8 đơn vị): Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Về phía các địa phương (12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) bao gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.