Bà có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của dự án VCED sau khi kết thúc chặng đường 7 năm?
Kết quả nổi bật nhất là chúng tôi đã thúc đẩy sự phát triển của mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn thông qua 5 hợp tác xã là: Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre, nho Evergreen Ninh Thuận, bò sữa Đơn Dương, bò sữa Evergrowth, Thanh Long Thanh Bình.
Dự án đã hỗ trợ họ hoạt động đúng theo Luật hợp tác xã 2012, phù hợp các nguyên tắc quốc tế về hợp tác xã; cải thiện năng lực quản trị, kinh doanh, thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi giá trị khép kín để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mà người nông dân làm ra.
Qua hỗ trợ của dự án VCED, HTX Thanh Long Thanh Bình đã cải thiện năng lực quản trị và nâng cấp cơ sở hạ tầng để xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho thanh long |
Đáng chú ý là một số hợp tác xã đã phát triển thương hiệu riêng cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tất cả những điều này đã giúp cho người nông dân - thành viên hợp tác xã cải thiện sinh kế khi họ được hưởng lợi nhờ việc tham gia hợp tác xã và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Để đạt được những kết quả đó, dự án VCED đã có cách tiếp cận như thế nào, thưa bà?
Một trong những cách tiếp cận đó là phát triển chuỗi giá trị cho các hợp tác xã để họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực quản trị và năng lực thương mại của hợp tác xã được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Ở cấp độ nông hộ, chúng tôi triển khai một chương trình gọi là lớp học nông dân, nơi cung cấp các lớp tập huấn cả về mặt lý thuyết và thực hành, chuyển giao kiến thức kỹ thuật, công nghệ cho người nông dân. Chúng tôi nỗ lực để đảm bảo rằng các sản phẩm chất lượng cao được người nông dân làm ra sẽ trực tiếp đến tay người tiêu dùng, loại bỏ các khâu trung gian chẳng hạn như thương lái. Còn ở cấp độ quốc gia, chúng tôi đã tích cực đóng góp vào công tác phát triển chính sách của Chính phủ Việt Nam để góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hợp tác xã.
Bà Gaby Breton - Đồng giám đốc dự án VCED |
Phát triển mô hình hợp tác xã quy mô lớn vẫn còn chưa phổ biến tại Việt Nam, vậy quá trình thực hiện, dự án có gặp nhiều khó khăn, thách thức không, thưa bà?
Ngay từ khi bắt đầu, nhiệm vụ phát triển mô hình hợp tác xã quy mô lớn thực sự là một thử thách rất lớn đối với dự án bởi hợp mô hình này vẫn chưa thực sự phổ biển ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhiệm vụ phải hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động theo đúng Luật hợp tác xã 2012, trong đó có một điểm khác biệt lớn so với trước đó, đó là bộ phận kinh doanh và quản trị của hợp tác xã được tách biệt hoàn toàn. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức khi chúng tôi phải phổ biến một cách hiệu quả một khái niệm, một cách vận hành mới về hợp tác xã mà theo đó, các thành viên hoàn toàn có quyền quyết định đối với các hoạt động của hợp tác xã chứ không phải một thế lực nào khác. Làm sao để tăng năng lực quản trị, mở rộng kinh doanh cho hợp tác xã, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân. Nhưng chúng tôi đã vượt qua nhờ sự hỗ trợ tuyệt vời từ các chính quyền trung ương, địa phương và sự nỗ lực của chính người nông dân.
Bà có thể tiết lộ kế hoạch cá nhân sau khi dự án kết thúc?
Ngay sau dự án VCED, điểm dừng chân tiếp theo của tôi là ở Châu Phi. Đây sẽ là cơ hội để tôi chia sẻ và áp dụng những kinh nghiệm mà mình có được trong quá trình làm việc ở Việt Nam. Mọi người thường nói là dự án VCED giúp Việt Nam học hỏi và được chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kiến thức từ Canada nhưng ở chiều ngược lại, chúng tôi đã học được rất nhiều từ Việt Nam. Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời về cách thức phát triển nền kinh tế, về tầm nhìn vĩ mô của chính phủ, về việc lên kế hoạch dài hạn và huy động toàn xã hội thực hiện những kế hoạch đó. Đất nước này có một tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế hợp tác, HTX ở nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác nhau. Vì vậy đối với tôi, Việt Nam có thể được sử dụng như một bài học kinh nghiệm cho rất nhiều quốc gia về việc hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Chắc chắn là tôi sẽ quay trở lại đây cùng với nhiều phái đoàn khác nhau, để bài học kinh nghiệm từ Việt Nam được lan tỏa rộng rãi.
Xin cảm ơn bà!