Đông đảo đại biểu tham dự Tổng kết Luật Thương mại 2005 |
Lộ trình trên được căn cứ vào việc ký kết, gia nhập và thông qua các điều ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật. Đó là các văn bản: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII tháng 10/2015; Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tháng 10/2016; các FTA Việt Nam - EU, TPP nếu được ký kết trong năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2017 - 2018; Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) dự kiến sẽ được xem xét gia nhập vào giai đoạn cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Theo Bộ Công Thương, so sánh với Luật Thương mại 1997, những điều chỉnh, bổ sung mới các quy định của Luật Thương mại 2005 đã đem lại những tác động tích cực rất to lớn cho hoạt động thương mại. Điều đó thể hiện ở chỗ hoạt động thương mại tăng trưởng rất mạnh bao gồm sự sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đồng thời với hoạt động thương mại nội địa; xuất hiện ngày càng nhiều các phương thức hoạt động thương mại mới; cơ cấu hàng hóa đã khác xa so với cơ cấu hàng hóa các năm 2005 trở về trước; số lượng thương nhân tham gia hoạt động thương mại ngày càng lớn… Bà Trần Đỗ Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, so với Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005 đã trở thành một trong những nền tảng pháp lý quan trọng của Việt Nam làm tiền đề để gia nhập kinh tế quốc tế. Từ khi thực hiện, các vụ việc tranh chấp thương mại đã được các cơ quan tài phán giải quyết với tỷ lệ thành công cao (xấp xỉ 90%), có hiệu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), trong quá trình hội nhập, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường trong khi hoạt động quản lý, định hướng hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là quản lý nhập khẩu còn lúng túng. Một số phương thức hoạt động thương mại mới đang hình thành và phát triển, nhưng cơ sở pháp lý cho hoạt động này còn thấp hoặc chưa cụ thể mà chủ yếu nằm ở các văn bản dưới Luật…
Luật sư Ngô Việt Hòa - thành viên Dự án USAID GIG cho biết, ngoài quy định về giới hạn mức phạt 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm trong các hợp đồng thương mại được dẫn chiếu nhiều nhất, thì hầu hết các quy định quan trọng về hoạt động thương mại, chính sách thương mại không thể tìm thấy trong Luật Thương mại 2005. Thậm chí, nhiều quy định của Luật Thương mại gây ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Dân sự. Ngoài ra, nhiều quy định của Luật Thương mại đã “ngủ yên” trong 10 năm không được dẫn chiếu, áp dụng vì đã có quy định của các luật chuyên ngành…
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nhiều quy định liên quan đến giấy phép, thủ tục hành chính như các hoạt động thương mại chỉ được thực hiện khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc cho phép, nhưng lại thiếu rõ ràng về điều kiện, tiêu chí cấp phép. Điều này không những gây khó cho các doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng cơ quan có thẩm quyền nhũng nhiễu, gây khó dễ...
Do vậy, sửa đổi Luật Thương mại là cần thiết để tránh những rủi ro cho thương nhân, doanh nghiệp và tạo sự minh bạch, ổn định cho môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005 sẽ chủ yếu liên quan đến các nội dung: Chính sách hỗ trợ thương mại của nhà nước đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo; chính sách hỗ trợ việc xây dựng hạ tầng thương mại trên phạm vi cả nước; bổ sung quy định cụ thể về một số phương thức mua bán hàng hóa, phân phối hàng hóa, lưu thông hàng hóa trong nước; điều chỉnh một số khái niệm cho phù hợp với cam kết quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động thương mại; điều chỉnh nội dung quy định về xuất xứ hàng hóa cho phù hợp với thực tiễn cũng như cam kết quốc tế.
Cùng với Luật Thương mại 2005 sửa đổi, Bộ Công Thương đang thực hiện soạn thảo dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5/2016. Bên cạnh đó, ngay trong năm 2016, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng 7 Nghị định của Chính phủ nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại. |