Chia sẻ thông tin tại Tọa đàm về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trịnh Hiền Thành - Vụ Năng lượng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) - cho biết, trong quá trình Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, Ủy ban đã đóng góp tích cực, giải quyết những vướng mắc liên quan đến các chồng chéo tồn tại hiện nay trong hệ thống pháp luật gồm Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư.
Để khắc phục những bất cập trong Luật Dầu khí hiện hành, ông Thành đề xuất: Cần bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý vốn với doanh nghiệp nhà nước khi tham gia các giai đoạn của hoạt động dầu khí và vai trò nhà thầu (nhà đầu tư); tích hợp quy trình quản lý nhà nước về dầu khí và quy trình về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để giảm thiểu thủ tục, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu khi thực hiện các thủ tục phê duyệt.
Khai thác, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên dầu khí |
Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - chia sẻ, ngành dầu khí là một tài nguyên quốc gia cực kỳ quan trọng, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách, cần phải bảo vệ, khai thác có chọn lọc, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí có liên quan đến quan hệ đầu tư nước ngoài, bắt buộc cần phải có nội dung quy định hợp tác quốc tế về dầu khí. Do vậy, cần mở rộng linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí trong lần sửa đổi Luật Dầu khí này.
Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên
Trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam - đề xuất: Cần quy định rõ địa vị pháp lý của Petrovietnam là công ty dầu khí quốc gia; cần có những ưu đãi về đầu tư để khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư lĩnh vực dầu khí trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề xuất phân cấp phê duyệt báo cáo đánh giá trữ lượng (RAR) và kế hoạch phát triển mỏ (FDP) cho Bộ Công Thương; kiến nghị điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi, từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí…
Đại diện Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để phù hợp với bối cảnh mới, Bộ Công Thương đã cố gắng giảm bớt, kế thừa và bổ sung một số nội dụng cơ bản tại 6 nhóm chính sách đưa ra tại dự thảo luật. Theo đó, về góc độ liên quan đến hoạt động dầu khí từ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác tạo ra sản phẩm phi truyền thống dầu và khí, với năng lực, kỹ thuật cho phép, chúng ta có thể khai thác tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, làm sao tận dụng có hiệu quả nhất và giải quyết trong bối cảnh hiện nay bắt đầu có những mỏ, những hợp đồng đến hạn, trữ lượng đã giảm.
Theo kế hoạch Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu để Luật Dầu khí mới ra đời đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, có cơ sở để triển khai thực hiện ngay hữu hiệu nhất vào thực tế. |