Cần ổn định đời sống cho người dân địa phương đặt nhà máy ĐHN |
Theo Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án ĐHN Ninh Thuận, việc xây dựng cả hai nhà máy ĐHN có gần 1.500 hộ dân và gần 5.400 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 35% số hộ thu hồi cả đất ở và đất sản xuất; gần 50% số hộ thu hồi đất canh tác và một số ít (khoảng 15%) chỉ thu hồi đất ở. Tổng số diện tích thu hồi gần 1.300ha.
So với những dự án có công suất tương đương như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, dân số bị ảnh hưởng và diện tích đất thu hồi không phải quá lớn. Nhưng điều đó không làm giảm bớt mối quan tâm, giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội vùng dự án. ĐHN là một dự án đặc biệt quan trọng mà Ninh Thuận là tỉnh đi tiên phong xây dựng, vì vậy cần phải quan tâm chính sách và cơ chế ủng hộ địa phương.
Trước vấn đề này, tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1504/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC Dự án ĐHN Ninh Thuận, nhằm đáp ứng việc người dân tái định cư ổn định chỗ ở, cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban quản lý dự án di dân, TĐC nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Đồng thời, giao Sở Xây dựng tỉnh triển khai, chuẩn bị xây dựng các khu TĐC và các công trình phục vụ khu TĐC; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng các nhà máy ĐHN. Các cơ quan chức năng đã tiến hành các công việc chuẩn bị: đo đạc lập bản đồ thu hồi đất, công tác kiểm kê; công tác lập, trình phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường; công tác lập, phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và TĐC…
Theo Ban quản lý Dự án di dân, TĐC Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, vào ngày 25/11 vừa qua đã thông báo mời thầu 1 gói thầu khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập thiết kế bản vẽ thi công và 3 gói thầu lập thiết kế bản vẽ thi công – tổng dự toán cho khu TĐC Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Cụ thể, địa điểm TĐC nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 là thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam với diện tích 43,67 ha. Khu TĐC nhà máy ĐHN Ninh Thuận tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với diện tích 58,4 ha. Tổng mức đầu tư cho dự án TĐC là 3.235,526 tỷ đồng, nguồn vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cấp theo kế hoạch sử dụng sau khi thống nhất với UBND tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát nhu cầu giải quyết việc làm và đào tạo nghề tại xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải. Đồng thời, đang tổng hợp, xây dựng phương án chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Các phương án ổn định sản xuất cho người dân TĐC nhằm vào những cụm ngành nghề truyền thống của địa phương hoặc chuyển sang làm các nghề khác như kinh doanh phục vụ cho đời sống của các công nhân, dịch vụ du lịch…
Ông Lê Kim Hùng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận- cho biết, đến hết quý IV/2016, tỉnh sẽ hoàn thành công tác giải phóng và nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng để xây dựng các khu TĐC nhà máy ĐHN. Đến năm 2019, hoàn tất các hạng mục của dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu TĐC; tổ chức di dân đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng cho EVN thực hiện xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Tại Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 25/11/2009 phê duyệt khởi động dự án ĐHN đã nhấn mạnh, phải quan tâm đến đời sống kinh tế- xã hội của nhân dân vùng dự án, trước hết phải thực hiện tốt dự án di dân TĐC tại địa phương đặt nhà máy ĐHN. |