Dự án La Gàn đang được hợp tác phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Part-ners (CIP), Asiapetro và Novasia, và được đánh giá là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
NIRAS, tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ về môi trường, biến đổi khí hậu và năng lượng có trụ sở tại Đan Mạch, có kinh nghiệm trong việc thực hiện Đánh giá tác động môi trường và xã hội cho các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu và tham gia vào việc tiến hành các bài đánh giá kể từ khi trang trại gió ngoài khơi đầu tiên được phát triển tại Vindeby, Đan Mạch vào năm 1991. NIRAS sẽ hợp tác chặt chẽ với một số nhà thầu phụ của Việt Nam để thực hiện dịch vụ này, bao gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây Dựng Điện 3 (PECC3), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển an toàn và môi trường dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI-CPSE), Công ty TNHH Dịch vụ nghiên cứu & du lịch Hoang dã (Bird Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ thúc đẩy giá trị bản địa và môi trường bền vững (CHIASE).
Hình ảnh lễ ký kết hợp đồng khảo sát Đánh giá tác động Môi trường và Xã hội của trang trại gió ngoài khơi La Gàn, tổ chức tại Đại sứ quán Đan Mạch, Hà Nội |
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió ngoài khơi. Từ kết quả hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái Tạo Việt Nam cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có thể đạt tới 160 GW. Đặc biệt, ở những nơi quỹ đất hạn hẹp hoặc tốc độ gió trên bờ không đạt thì gió ngoài khơi lại có thể mang lại nguồn điện tái tạo, đảm bảo độ tin cậy. Khi đi vào hoạt động, trang trại gió ngoài khơi La Gàn sẽ cung cấp năng lượng sạch cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ở bước đầu trong quy trình đánh giá ESIA, NIRAS và các nhà thầu phụ sẽ tiến hành tìm kiếm và phân tích các điều kiện môi trường hiện có, đồng thời thu thập dữ liệu về việc sử dụng năng lượng điện tái tạo từ gió như thế nào tại khu vực trên diện rộng. Dữ liệu sẽ được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả cơ sở dữ liệu địa phương và quốc tế. Nghiên cứu thực địa trên bờ và ngoài khơi sẽ được thực hiện ở cả những nơi thông tin còn thiếu hoặc chưa được cập nhật. Các cuộc khảo sát thực địa như vậy thường được tiến hành trong khoảng thời gian lên đến 12 tháng.
Một số hoạt động được thực hiện bởi NIRAS bao gồm: Lấy mẫu dưới đáy biển và nước biển để ghi lại đời sống động thực vật và môi trường sống của chúng; ghi chép số lượng chim biển, cá voi, cá heo và đặc tính của chúng; ghi chép về thực vật và động vật vùng ven biển và trên cạn; phân tích dữ liệu địa vật lý (thông qua hình ảnh đáy biển) để điều tra khảo cổ và di sản văn hóa dưới nước; phân tích dữ liệu giao thông đường biển và các hình thức vận chuyển hiện có; tham gia/ giao lưu với các cộng đồng ngư dân để hiểu cách thức và vị trí vùng biển địa phương họ sử dụng; tham gia/ giao lưu với cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt chú ý đến các nhóm dễ bị tác động; mô hình thiết kế 3D mô phỏng trang trại gió từ bờ biển và từ các điểm quan sát đáng chú ý khác.
Hình ảnh về chim nhạn biển, một trong những loài chim biển quan trọng ở Việt Nam |
Các hoạt động này sẽ được nghiên cứu trên sự hợp tác giữa các chuyên gia tại địa phương cùng các chuyên gia quốc tế có chuyên môn cao trong cùng lĩnh vực. Các chuyên gia sẽ đặc biệt chú ý hơn tới các loài sinh vật và môi trường sống có tầm quan trọng với quốc tế. Các phân tích và khuyến nghị sẽ được Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo giảm thiểu tác động của dự án.
Vai trò của NIRAS là đảm bảo dự án điện gió ngoài khơi này được phát triển đúng chỗ; giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng; và cung cấp năng lượng tái tạo cho người dân Bình Thuận. Trong suốt quá trình, các kỹ năng và kiến thức sâu rộng sẽ được chuyển giao cho các công ty hàng đầu của Việt Nam để có được tầm nhìn chiến lược về tình trạng của các vùng gió ngoài khơi nói chung và của Bình Thuận nói riêng, cho phép các công ty này cùng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong tương lai tại Việt Nam.
Ông Michael Hannibal, đối tác tại CIP, cho biết: “Trong danh mục đầu tư toàn cầu, chúng tôi cố gắng thực hiện các Đánh giá tác động xã hội và môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, ngay cả khi các tiêu chuẩn này cao hơn mức yêu cầu của địa phương. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà cung cấp địa phương và xây dựng các trang trại gió thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy phúc lợi, sinh kế và tính bền vững của cộng đồng địa phương”.
Ông Tim Norman - Giám đốc của NIRAS - nhấn mạnh thêm: “NIRAS vô cùng tự hào khi được chọn là nhà thầu thực hiện ESIA cho một dự án tiên phong trong một thị trường mới năng động, với một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới”.
Dự án điện gió La Gàn thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Với công suất dự kiến lên đến 3,5GW, tổng vốn đầu tư ước tính cho tất cả các giai đoạn của dự án khoảng 10,5 tỷ USD. Dự án được đầu tư và phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng với Công ty Cổ phần Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetrol) và Công ty TNHH Năng lượng Novasia (Novasia Energy). Dự án bắt đầu được triển khai từ 2019 với sự chấp thuận của UBND tỉnh Bình Thuận cho phép triển khai các cuộc khảo sát trong năm 2020 và đã đạt được tiến độ đáng kể. Dự án đã tiến hành thành lập công ty phát triển dự án tại Việt Nam và đã nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh. Song song với đó, dự án đang trong quá trình ký hợp đồng thuê văn phòng và sẽ chính thức mở văn phòng tại tỉnh Bình Thuận vào đầu năm 2021. |