Trong kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X đang vừa diễn ra, HĐND tỉnh Đồng Nai đã bỏ phiếu thông qua bản dự thảo cuối về quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai xác định mục tiêu đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050”.
Theo dự thảo, quy hoạch trên tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển 5 ngành chủ lực, đây được coi là “thỏi nam châm” thu hút các công ty lớn đầu tư vào từng ngành. Từ đó, với nền tảng và vị thế hiện tại, 5 ngành chủ lực được định hướng sẽ vươn tới top đầu cả nước về quy mô và đóng góp vào GDP ngành cả nước.
Đồng Nai sẽ tập trung vào 5 ngành công nghiệp chủ lực. |
Một là, ngành cơ khí chế tạo: Với nhu cầu thị trường quốc tế ước tính đạt hơn 4 nghìn tỷ USD (thị trường xuất khẩu) năm 2030 và quy mô thị trường Việt Nam đạt gần 200 tỷ USD, Đồng Nai có thể đặt mục tiêu trở thành địa phương tiên phong, dẫn đầu cả nước trong chế tạo máy và cơ khí chính xác với tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên 20%/năm thời kỳ 2021-2030 và đạt khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng năm 2030 (giá so sánh 2010).
Tầm nhìn 2050, Đồng Nai tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành, hướng đến tham gia mạnh mẽ vào bước R&D trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0, các công nghệ sản xuất thông minh và định hướng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp, Đồng Nai có thể chú trọng phát triển sản xuất rô-bốt và máy móc tự động. Tập trung tại các khâu sản xuất phụ tùng, linh kiện rô-bốt công nghiệp, và lắp ráp hoàn thiện…
Từ việc phân ngành này tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, giúp phát triển toàn ngành công nghiệp và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo. Đồng Nai sẽ nơi đặt nhà máy trực tiếp sản xuất các sản phẩm rô-bốt, máy móc tự động hóa cần hàm lượng chất xám và công nghệ kĩ thuật cao.
Ngoài ra, Đồng Nai sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với các sản phẩm khuôn mẫu chính xác, chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao. Tiến tới sản xuất linh kiện, phụ tùng, láp ráp các máy móc chuyên dụng sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp và thiết bị, máy móc thế hệ mới. Từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai là ngành điện, điện tử: Công nghiệp điện – điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thuộc top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới và là ngành công nghiệp đi đầu trong thu hút đầu tư FDI.
Đồng Nai định hướng tiếp tục đẩy mạnh phân ngành điện – điện tử, hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ cho các đối tác lớn trong nước và khu vực. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng mức đóng góp vào GRDP của ngành trên cả nước lên 10% năm 2030, tổng sản phẩm đạt đạt trên 880 nghìn tỷ đồng năm 2030 (giá so sánh 2010) với tăng trưởng khoảng 18%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030.
Tầm nhìn đến 2050, ngành công nghiệp điện, điện tử của tỉnh Đồng Nai sẽ bao trùm toàn bộ các mắt xích của chuỗi giá trị của ngành, trong đó nổi bật là sự phát triển của khâu R&D, có định vị khác biệt và khả năng cạnh tranh cao của tỉnh trong phạm vi khu vực và quốc tế.
Định hướng trong giai đoạn quy hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bước đầu tăng tỷ lệ nội địa hóa, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư, sản xuất các linh kiện có hàm lượng công nghệ và giá trị cao như cảm biến, chip, vi mạch, chất bán dẫn và các linh kiện quan trọng gắn với máy móc công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa công nghiệp và dân dụng tiên tiến góp phần đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.
Chú trọng phát triển ngành hài hòa cả phần cứng, phần mềm để tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo. Tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) thông qua hợp tác chung giữa tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển năng lực cung ứng với khả năng kết nối hoàn chỉnh các cấu phần như kho hàng, logisitics, bao bì, đóng gói, linh kiện sản xuất để đáp ứng với yêu cầu cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ba là ngành sản xuất phương tiện vận tải: Đồng Nai hiện đã có nhà máy sản xuất thiết bị máy bay cung cấp cho Airbus/Boeing. Dựa trên nền tảng đó cùng với sự hình thành của sân bay quốc tế Long Thành lớn nhất Việt Nam, Đồng Nai định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng cung ứng cho các tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới và hướng tới trở thành trung tâm lắp ráp máy bay của khu vực.
Phân ngành công nghiệp sản xuất phương tiện vận tải trên địa bàn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm khoảng 17%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030, thuộc top các tỉnh có mức đóng góp vào GRDP của ngành trên cả nước với tổng sản phẩm đạt trên 200 nghìn tỷ đồng năm 2030 (giá so sánh 2010).
Định hướng đến 2050 sẽ tham gia sâu vào bước R&D và trở thành trung tâm sản xuất linh kiện, thiết bị hàng không, đồng thời là điểm đến cho các dịch vụ lắp ráp, sữa chữa máy bay không chỉ cho Việt nam và còn cho toàn vùng Đồng Nam Á.
Bốn là ngành hóa chất: Với nền tảng sẵn có củng các tập đoàn công nghiệp hóa chất hàng đầu thế giới đã có sự hiện diện tại địa phương, Đồng Nai có thể phát triển bền vững và hướng đến các sản phẩm giá trị cao, phục vụ người tiêu dùng cuối cùng trong ngành công nghiệp hoá chất.
Cụm ngành công nghiệp hoá chất và sản phẩm hóa mỹ phẩm trên địa bàn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên 12%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất của Đồng Nai duy trì đóng góp trên 15% vào GDP của ngành trên cả nước với tổng sản phẩm đạt trên 300 nghìn tỷ đồng năm 2030 (giá so sánh 2010).
Đồng Nai định hướng thu hút một số công ty chủ chốt trong ngành hóa chất để tạo lập hệ sinh thái và có phân khu phát triển sản xuất chuyên biệt. Đặc biệt, tỉnh cần từng bước thu hút các doanh nghiệp hóa chất toàn cầu đặt trụ sở R&D tại tỉnh, kết hợp với các ngành công nghiệp khác như sản chế biến thực phẩm, dược phẩm, dược liệu, hóa mỹ phẩm... sẽ củng cố lợi thế và khai thác hiệu quả tiềm năng ngành công nghiệp hóa chất của tỉnh Đồng Nai.
Năm là ngành sản xuất, chế biến thực phẩm: Đồng Nai phấn đấu trở thành thủ phủ chế biến nông sản và thức ăn gia súc, gia cầm hiện đại. Mục tiêu hình thành các khâu sản xuất rộng khắp chuỗi giá trị ngành, tận dụng lợi thế của khu trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn ở khâu nghiên cứu sản phẩm.
Cụm ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm khoảng 5%/năm bình quân thời kỳ 2021-2030; đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng năm 2030 (giá so sánh 2010). Phấn đấu đến năm 2030, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Đồng Nai giữ vững mức đóng góp trên 8% vào GDP ngành cả nước.
Tỉnh Đồng Nai đã có sự hiện diện nhiều ở các bước thu mua nguyên liệu, chế biến sơ và thứ cấp cũng như phân phối tiêu thụ. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm tạo ra, đẩy mạnh chế biến sâu và tiến dần đến chủ động trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm mới.
Một số phân ngành thu hút đầu tư sẽ bao gồm chế biến thực phẩm xuất khẩu và hướng tới các sản phẩm xử lý công nghệ cao như thịt có nguồn gốc thực vật, các sản phẩm thuần chay, thực phẩm ready-to-cook. Mục tiêu xây dựng được Khu công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm tiêu chí Halal (nhằm phục vụ cộng đồng Hồi giáo).
Ngoài ra, Đồng Nai cũng định hướng phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu và Sản xuất thiết bị y tế sử dụng trong quy trình khám, chữa bệnh.