Để nâng cao sức cạnh tranh, ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, giảm giá thành sản xuất luôn được các DN quan tâm. Để giải "bài toán" này, thời gian gần đây, nhiều DN Đồng Nai đã chủ động đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao hiệu suất thiết bị, giảm chi phí điện năng trong sản xuất.
Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyệnVĩnh Cửu) tiêu thụ hàng chục nghìn kWh điện. Để tiết giảm chi phí điện năng, công ty chuyển sang sử dụng hoàn toàn bóng đèn LED; lắp đặt quạt thông gió, hệ thống làm mát từ dưới sàn ở các xưởng; đầu tư thiết bị hiện đại để thay thế những máy móc cũ và hao tốn điện, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng; khuyến khích người lao động đưa ra sáng kiến, cải tiến góp phần tiết kiệm điện. Điển hình về tấm gương lao động sáng tạo là chị Tăng Ngọc Tiên - Quản lý kỹ thuật xưởng của công ty. Nhận thấy máy ép ở khu vực bồn sấy UV-SPRAY (một công đoạn trong ép đế giày) luôn tỏa ra lượng nhiệt lớn, tiêu tốn điện năng, gây nóng cho công nhân khi làm việc, chị mạnh dạn đề xuất mua tấm cách nhiệt bọc kín các bồn. Ngay lần đầu thử nghiệm, giải pháp đã mang lại kết quả khả quan, hạn chế tối đa nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh, tiết kiệm được đáng kể lượng điện năng. "So với trước, khi áp dụng cải tiến tấm cách nhiệt, nhiệt độ trong xưởng giảm được 2-3oC. Cùng với đó, công ty tiết kiệm 1 nghìn kWh điện/tháng" - chị Tiên chia sẻ. Giải pháp của chị Tiên đã được công ty áp dụng thành công và nhân rộng tại nhiều nhà máy sản xuất trong và ngoài nước.
Tại Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, anh Đỗ Văn Hà - công nhân kỹ thuật nhiều năm - đã nghĩ ra ý tưởng thay đổi van lò hơi giúp hạn chế xì hơi trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, giúp công ty tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm. Sau một thời gian nghiên cứu, anh Hà đề xuất giải pháp cuốn dây thép quanh các khe hở, thay đổi van, giúp bảo toàn gần 100% hơi trong lò, giảm thời gian và nhiên liệu trong quá trình rang xay cà phê.
Đối với anh Thái Văn Nam - chủ 10ha thanh long tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận, anh chuyển sang sử dụng đèn LED thay cho đèn sợi đốt, đèn compact giúp cây ra hoa trái vụ. Bóng đèn LED đã giúp anh Nam tiết kiệm được gần 2/3 chi phí tiền điện mà vẫn đảm bảo năng suất. Anh Nam cũng chuyển sang lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm lượng nước, giảm chi phí điện bơm nước.
Cùng với đó, trong thời gian qua, các dự án phát triển điện mặt trời tại địa phương đã góp phần cho Đồng Nai đảm bảo cung cấp đủ điện sản xuất và tiêu dùng. Việc phát triển điện mặt trời không chỉ tiết kiệm tiền điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm áp lực cung cấp cho ngành điện. Tính đến tháng 6/2020, Công ty Điện lực Đồng Nai đã ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với gần 2 nghìn khách hàng, tổng công suất lắp đặt 40,5 nghìn kWp, sản lượng phát lên lưới hơn 8,8 triệu kWh.
Ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thay đổi công nghệ, thiết bị sản xuất và thói quen tiêu dùng; phát triển lưới truyền tải, phân phối trong hệ thống điện quốc gia... |