Khởi tố vụ án xây trái phép 680 căn biệt thự, nhà liền kề tại Đồng Nai BHXH Việt Nam lên tiếng về cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ở Đồng Nai |
19 bị khởi tố có bác sĩ là các trưởng phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 2 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức. Số còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và người chuyên môi giới làm giả giấy tờ tại các phòng khám.
Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan tại các phòng khám |
Theo cơ quan điều tra Đồng Nai, nhóm bị can đã tham gia làm giả 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để trục lợi bảo hiểm; bán hơn 400 giấy khám sức khỏe khống cho công nhân quyết toán chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Qua điều tra, hàng loạt công nhân vờ bị bệnh rồi mua "giấy xác nhận bệnh" của các phòng khám trên, nộp cho công ty. Tiếp đó, doanh nghiệp sẽ lập danh sách công nhân gửi cho bảo hiểm xã hội để được chi trả 75% lương (bệnh thông thường). Việc làm này gây thất thoát ngân sách, ước tính trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra Phòng khám đa khoa Tân Long (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa), một số doanh nghiệp và phát hiện dấu hiệu sai phạm. Sau đó hồ sơ được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Quá trình điều tra, công an xác định ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hằng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm khống các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty. Đồng thời, các phòng khám còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng rút công bố khám sức khỏe, khám sức khỏe cho người lái xe ở bốn phòng khám tư nhân gồm: Phòng khám đa khoa Tân Long, phòng khám đa khoa Long Bình Tân (phường Long Bình Tân), phòng khám đa khoa Tam Đức (phường Tân Hiệp) và phòng khám đa khoa quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình, cùng ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Liên quan đến vụ việc, để đảm bảo việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã có đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh được xác định có hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, giao cho Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 23 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ,...).
Nhằm khắc phục tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện các giải pháp mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Qua đó, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các quy định về hành vi và chế tài xử lý đối với các hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.