Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh Việt Nam và Pháp chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh |
Thời gian qua, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là Đồng Nai đã từng bước thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Tăng trưởng xanh- Sự lựa chọn tất yếu cho nền kinh tế |
Thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ phát triển toàn diện tỉnh Đồng Nai, thực hiện khát vọng trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước. Trong đó nhiệm vụ quan trong là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng với môi trường của kinh tế tỉnh Đồng Nai; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới, như mô hình kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sông; phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường.
Yếu tố xanh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là một trong những yêu cầu tiên quyết được tỉnh Đồng Nai đề ra. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ các nước trên thế giới đối với hàng hóa. Vì vậy Đồng Nai đang có xu hướng chuyển dịch rất rõ nét, tập trung thu hút đầu tư chọn lọc ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Với chiến lược này, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh theo xu hướng toàn cầu.
Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành vừa được Đồng Nai khởi công trong tháng 7 vừa qua là một chỉ dấu mạnh mẽ trong xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (KCN Amata Biên Hòa), có 100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất, lắp ráp động cơ, máy phát điện ứng dụng công nghệ cao là một trong số doanh nghiệp điển hình. Đại diện của công ty chia sẻ: Chúng tôi cho rằng, muốn phát triển xanh, bền vững, việc đầu tiên là nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên, cần luôn khuyến khích nhân viên trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên nhà xưởng, giúp họ hiểu được khái niệm xanh, bền vững.
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Đồng Nai sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư để áp dụng mô hình tăng trưởng xanh cho tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Cùng với quan điểm trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông cho biết, qua tiếp xúc với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, hiện nay các tiêu chí về tăng trưởng xanh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rất khắt khe. Vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp vững tin bước vào sân chơi cạnh tranh trên thị trường.
Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài, là quốc gia đang trên đà đổi mới, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Và xu hướng phát triển hiện nay của Đồng Nai cũng không nằm ngoài quỹ đạo phát triển bền vững trên.