Bắt nhịp chuyển đổi số
Chia sẻ câu chuyện thực tế tại DN, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - cho biết: Sơn Hà đã triển khai số hóa ở tất cả các khâu sản xuất. Qua đó, giúp hệ thống quản lý có thể nhìn nhận, tìm hiểu các vấn đề đang trục trặc, tránh được tình trạng tồn kho, độ trễ trong các công đoạn sản xuất và tạo ra năng suất cao...
Đồng quan điểm, bà Trần Cẩm Linh - Phó trưởng Ban Viễn Thông - Công nghệ thông tin, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) - cho hay: EVN HANOI đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong toàn diện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như kỹ thuật vận hành, chăm sóc dịch vụ khách hàng, quản trị sản xuất… Việc ứng dụng công nghệ 4.0 giúp EVN HANOI giảm được nhân công lao động thủ công, tăng hiệu suất lao động, tiết kiệm chi phí các giai đoạn sản xuất và giúp thông tin đến với khách hàng ngày càng minh bạch hơn.
Không đứng ngoài guồng quay của công nghệ, ngày càng có nhiều DN trong lĩnh vực công nghiệp đã có những bước chuyển mình, sẵn sàng cho một thời đại số, dẫn tới nhu cầu sử dụng thiết bị tự động hóa, robot trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang tăng lên. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên chương trình Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhiều hiệp định FTA được ký kết, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, đại dịch Covid-19… là tiền đề để Việt Nam CĐS và đi nhanh hơn trong cuộc CMCN 4.0.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất |
Gấp rút tiếp sức cho doanh nghiệp
Trải qua đại dịch Covid-19, chúng ta dễ dàng nhận thấy những DN số và những DN đã triển khai công nghệ số đều có khả năng chống chịu và vượt qua khủng hoảng nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, tác động của CĐS là vô cùng lớn, tích cực lên mọi khía cạnh nền kinh tế, cũng như ngành công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - dẫn ví dụ: Số hóa có thể giúp tiết kiệm khoảng 80 tỷ USD/năm, tương đương 5% tổng chi phí phát điện một năm của Việt Nam; giúp ngành điện giảm chi phí vận hành và quản lý, trong khi tăng sản lượng điện, giảm tổn thất lưới điện, kéo dài tuổi thọ công trình điện thêm 5 năm. Ngoài ra, còn giúp cung cấp điện theo nhu cầu thực của khách hàng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, công trình thông minh.
Tuy nhiên, ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng: Trong quá trình CĐS, DN phải đối mặt với hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất, phải đảm bảo nguồn tài chính lớn để đầu tư công nghệ theo kịp thời đại hiện nay, nhằm tạo được sự cạnh tranh đối với những DN lớn, kể cả DN nước ngoài. Thứ hai, phải đổi mới cách làm trong cả quá trình, cần đầu tư thích đáng.
Bà Trần Cẩm Linh chia sẻ thêm: Công nghệ 4.0 hầu hết là những công nghệ mới, đột phá trên thế giới. Chính vì vậy, tôi mong sẽ có cơ chế về xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, nguồn nhân lực cho từng DN để tiếp cận công nghệ 4.0; đồng thời, xây dựng được mô hình tổng quan để DN phát triển đúng định hướng, đầu tư có hiệu quả và tiết kiệm được chi phí trong khi triển khai công nghệ 4.0.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực tư vấn DN thực hiện CĐS; triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp. |