Đồng bằng sông Cửu Long: Thu hút đầu tư và xuất khẩu tăng
Kết nối giao thông thuận lợi giúp ĐBSCL tăng thu hút đầu tư |
Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn vùng ĐBSCL thu hút được tổng cộng 1,4 tỷ USD, trong đó có 79 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 987 triệu USD và 51 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn 412 triệu USD. Trong đó có các dự án có vốn đầu tư lớn như Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2, do Công ty Janakuasa (Malaysia) đầu tư theo hình thức BOT, với vốn đầu tư 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh; Dự án Xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao, tổng vốn đầu tư hơn 171 triệu USD, do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Cần Thơ; Dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 247 triệu USD...
Riêng lĩnh vực nông nghiệp được xem là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng chỉ có 1 dự án của Nhật Bản đầu tư trồng cây dược liệu, nhưng tổng vốn cũng chỉ có 68.000 USD.
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2016, toàn vùng ĐBSCL đã thu hút được hơn 1.348 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, chiếm 7% lượng vốn FDI của cả nước.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 2016 trở về trước, thu hút vốn FDI của cả vùng chỉ đạt khoảng 5% so với cả nước, nay tỷ lệ này đã được nâng lên gần 7%, là một tiến bộ, cho thấy nguồn vốn FDI đang có xu hướng chảy về ĐBSCL.
Bên cạnh đó, điểm trung bình về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng ĐBSCL luôn ở tốp dẫn đầu cả nước. Điển hình như trong năm 2015, các tỉnh ĐBSCL dẫn đầu cả nước đến 7/10 chỉ số thành phần, có 4/13 địa phương được xếp vào nhóm rất tốt, tốt. Nổi bật hơn cả là tính năng động, minh bạch và thiết chế pháp lý, kết quả này phần nào giúp nhà đầu tư củng cố thêm niềm tin khi quyết định chọn ĐBSCL là điểm đến đầu tư.
Về tình hình xuất khẩu, tính đến cuối tháng 6/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL đạt hơn 6,12 tỷ USD, trong đó, Long An chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 1,8 tỷ USD, Tiền Giang trên 908 triệu USD và Cần Thơ 650 triệu USD.
Ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, thời gian gần đây giao thông đã tốt hơn, nên thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL không còn là vấn đề lớn. Khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào... đó là những lý do tích cực thu hút DN Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung ngày càng nhiều hơn vào vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL cũng đã và đang nỗ lực thực hiện liên kết vùng, vận động tài trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, thúc đẩy hợp tác, kết nối đầu tư để đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong thu hút đầu tư.