Tại TP Cần Thơ, hiện nay có trên 124.300 con heo, với 5.216 hộ chăn nuôi và 10 trang trại chăn nuôi tập trung. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố có tổng đàn heo thấp, khả năng cung cấp khoảng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu thịt heo, thành phố Cần Thơ phải nhập khoảng 15% sản phẩm thịt heo từ các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập, Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, các quận, huyện thực hiện nghiêm túc công tác phòng tránh, như: tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi theo hướng an toàn chất lượng, an toàn sinh học; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức thanh, kiểm tra kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang thiết bị xử lý khi dịch bệnh xuất hiện…
Các trang trại nuôi heo ở khu vực ĐBSCL tập trung ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi |
Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện lực lượng làm nhiệm vụ tại các trạm kiểm dịch của thành phố đã kiểm dịch gần 37.000 con heo thịt, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, xử lý theo quy định nếu phát hiện heo có bệnh, nghi có bệnh…
Đại diện Sở NN&PTNT Tp. Cần Thơ cho biết, hiện nay, bệnh DTHCP không xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, nhưng đơn vị không lơ là trong công tác phòng, tránh, ngăn ngừa bệnh dịch xuất hiện.
TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL - đầu mối phân phối sản phẩm heo, thịt heo trong vùng, do đó nguy cơ xâm nhập bệnh dịch tả heo châu Phi rất cao. Công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch tại đầu mối giao thông được Sở đặc biệt quan tâm. Thành phố hiện có 2 trạm kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ.
Tại Cà Mau, UBND tỉnh cho biết, dịch bệnh sẽ xảy ra sớm hoặc muộn nên các địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch ứng phó khẩn cấp theo Quyết định 379/QĐ-UBND ngày 13/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch tả heo châu Phi. Chỉ đạo các huyện thành lập ngay ban chỉ đạo, các xã phải có lực lượng túc trực thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Ngành thú y tăng cường kiểm soát 24/24 tại các trạm, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm sát các tuyến đường nhập tỉnh không có chốt trạm và kiểm soát 100% điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đồng thời thường xuyên thu mẫu thị heo tại các chợ và các sản phẩm làm từ thịt heo để giảm sát dịch bệnh. Đặc biệt, Sở NN&PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét các cơ sở pháp lý để đề xuất nhanh phương án “nội bất xuất, ngoại bất nhập” về thịt heo.
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương chủ động các phương án ứng phó, triển khai việc phòng chống dịch một cách tích cực, sâu sát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra |
Tại Kiên Giang, theo Sở NN-PTNT đàn heo ở tỉnh dao động từ 330.000 - 350.000 con và hàng tháng phải nhập bên ngoài tỉnh từ 4.000 - 6.000 con phục vụ nhu cầu tiêu dùng; trong đó các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Hải đa phần phải vận chuyển heo từ đất liền ra đảo. Với địa bàn rộng, có nhiều đảo và đường biên giới khá dài… nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là khó lường. Trước tình hình trên, Kiên Giang tăng cường các chốt kiểm dịch chặt việc vận chuyển đàn heo; bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu…
Còn tại Đồng Tháp, địa phương cũng đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hiện chưa ghi nhận trường hợp gia súc nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. UBND tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương phải chủ động các phương án ứng phó, triển khai việc phòng chống dịch một cách tích cực, sâu sát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra.