Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, lợi nhuận vụ lúa đông - xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 10 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chủ yếu do giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu, công lao động tăng cao đã làm giá thành sản xuất lúa tăng lên. Trong khi đó, giá lúa (tươi) thương phẩm thấp hơn cùng vụ năm ngoái hơn 500 đồng/kg, nên thu nhập của người nông dân không cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh áp dụng canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”, để giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dịch hại theo IPM để gia tăng lợi nhuận.
Chi phí đầu vào tăng vọt khiến lợi nhuận của nông dân ĐBSCL giảm sút |
Tại tỉnh Long An, theo tính toán của người dân, giá thành sản xuất vụ lúa đông - xuân này tăng gấp hai đến ba lần so với vụ hè - thu năm 2021. Trong đó, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu, công lao động tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất lên gần 3.400 đồng/kg, giá bán lúa hàng hóa tại ruộng hiện ở mức khoảng 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, lúa thường khoảng 5.500 đồng/kg... đã kéo lợi nhuận giảm hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, giá lúa tại nhiều tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL trên đà tăng nhẹ từ 100 -200 đồng/kg so với các tuần trước, dù nông dân đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022. Tuy nhiên, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn so với so với vụ đông - xuân năm trước từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, tùy loại giống. Chi phí tăng cao nhưng giá bán thấp, đã kéo lợi nhuận của nhà nông sụt giảm rất nhiều. Thực tế, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, công lao động chiếm 28%... Vì vậy, việc nông dân lạm dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã làm tăng chi phí sản xuất. Một nguyên nhân nữa do hiện nay người dân vẫn còn quen canh tác lúa theo kiểu truyền thống khiến chi phí tăng cao.
Trước thực tế này, vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất giảm phân bón ở xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè) và xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây). Kết quả cho thấy, chi phí sản xuất giảm 4 - 5 triệu đồng/ha do giảm lượng phân đạm từ 10 - 20%, lúa ít sâu bệnh nên giảm thêm chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn bảo đảm. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện các mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây). Nhờ đó, nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha (trước sử dụng hơn 120 kg/ha). Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường do giảm đáng kể dư lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân giảm lượng phân đạm, kali trong 1 - 2 vụ, thực hiện bón vôi để kiểm soát phèn sẽ bảo đảm năng suất cho cây lúa, giảm chi phí. Đồng thời, khuyến cáo nông dân tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho lúa; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đúng kỹ thuật.
Theo chuyên gia, vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022, lợi nhuận thấp sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến vụ lúa hè - thu 2022 tiếp theo. Trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất lúa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá xăng dầu tăng cao sẽ làm cho các chi phí khác tăng theo. |