Thái Nguyên: Thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp Thái Nguyên: Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2024 đạt 203.000 tỷ đồng |
Bước sang trung tuần tháng 3/2024 nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có đủ đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí là cả năm.
Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã có đủ đơn hàng đến hết quý II/2024, chủ yếu xuất khẩu cho các đối tác lớn như: Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Tương tự đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (TDT), chuyên may áo khoác jacket, áo polo xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hai nhà máy của TDT đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024. Đây là yếu tố quan trọng giúp TDT tự tin với mục tiêu đạt doanh thu 20 triệu USD trong năm 2024 (tăng hơn 10% so với năm 2023) và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.800 người lao động.
Đơn hàng giá trị lớn tăng, xuất nhập khẩu của Thái Nguyên bứt tốc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Tình hình đơn hàng xuất khẩu ngày một cải thiện với giá trị lớn đã được Tổng Cục Thống kê Thái Nguyên ghi nhận là yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh trong quý I/2024 với tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, quý I/2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Thái Nguyên ước đạt 8.898,4 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 168 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8.730,4 triệu USD (chiếm 98,1% tổng giá trị xuất khẩu), tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 22,6% so với cùng kỳ cho thấy năm 2024 là năm có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trong quý I so với cùng kỳ đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và đạt quy mô giá trị cao nhất.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh trong quý I/2024 là nhóm điện thoại, máy tính bảng và linh kiện khác ước đạt 8.252,7 triệu USD (chiếm 92,7%), tăng 25% so với cùng kỳ; tấm tế bào quang điện, tấm mô- đun năng lượng mặt trời ước đạt 288 triệu USD (chiếm 3,2%), tăng 8,9%; sản phẩm may 126,8 triệu USD (chiếm 1,4%), giảm 3,7%; kim loại màu và quặng kim loại 60,3 triệu USD (chiếm 0,7%), giảm 10,4%; sản phẩm từ sắt thép 7,4 triệu USD, giảm 17,9%.
Đáng nói, toàn bộ giá trị hàng hóa xuất khẩu trong quý I/2024 của Thái Nguyên là xuất khẩu theo hình thức trực tiếp. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là thị trường châu Á, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 9%, các tiểu vương quốc Ả-rập Thống Nhất chiếm 7,5%, Trung Quốc chiếm 4,5%. Tiếp đến là thị trường Châu Mỹ (chiếm khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 33% giá trị xuất khẩu.
Với tình hình xuất khẩu trong quý I/2024 như trên, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2024 (đạt 29.312 triệu USD) thì giá trị xuất khẩu trong 9 tháng còn lại của năm 2024 phải đạt 20.414 triệu USD, tương đương mỗi quý đạt 6.805 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu địa phương phải đạt 636,4 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
“Nếu các quý còn lại của năm 2024 tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu như quý I/2024 thì sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2024”, nhận định từ Tổng Cục Thống kê.
Về nhập khẩu hàng hoá, quý I/2024, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.798,8 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 132,2 triệu USD, tăng 5,1%7; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4.666,6 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của tỉnh trong quý I/2024 là nhóm nguyên liệu và linh kiện điện tử ước đạt 4.353,1 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; nguyên liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời ước đạt 213,3 triệu USD, tăng 0,8%; vải các loại và nguyên, phụ liệu dệt may 61,6 triệu USD, tăng 5,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 39 triệu USD, tăng 6,6%.
Các nhóm hàng hóa chủ yếu còn lại đều có giá trị nhỏ trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của tỉnh và đều giảm so với cùng kỳ: Sản phẩm từ sắt thép 7,3 triệu USD, giảm 22,9%; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc 17,1 triệu USD, giảm 2,3%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 17,2 triệu USD, giảm 27,3%.
Các mặt hàng nhập khẩu trong quý I/2024 đều được nhập khẩu theo hình thức trực tiếp và chủ yếu là nhập khẩu từ thị trường châu Á (chiếm trên 97,5% tổng giá trị nhập khẩu) như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Nhìn vào cơ cấu mặt hàng nhập khẩu có thể thấy chủ yếu là nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, điều này khá tích cực. Cũng đồng thời phản ánh hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh khá khả quan. Thái Nguyên có “cửa” về đích sớm cho mục tiêu xuất khẩu nếu tiếp tục duy trì phong độ.
Quý I/2024 giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 22,6%; giá trị nhập khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ, cán cân thương mại ước tính thặng dư 4,1 tỷ USD. |