Dự án phát điện tái tạo từ bã mía là đối tượng hưởng lợi từ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
CôngThương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu của Chiến lược là hướng đến xanh hóa sản xuất. Cụ thể là, thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Cũng theo Chiến lược đã được phê duyệt, trong thời gian tới, sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh. Cụ thể, phát triển các ngành kinh tế xanh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về ngành kinh tế, các sản phẩm dán nhãn xanh, sinh thái. Chính sách ưu đãi trong sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh. Ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt về kinh tế kỹ thuật và khuyến khích mọi doanh nghiệp đầu tư phát triển xanh. Chính phủ sẽ ban hành danh mục các dự án đầu tư phát triển xanh, xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích cho các sản phẩm có chứng chỉ sạch.
Trên thực tế, nhiều dự án đang chờ cơ chế chính sách để phát triển các dự án tăng trưởng xanh. Ông Phạm Văn Quan, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiều dự án đang chờ chính sách này để đầu tư triển khai. Điển hình là Dự án Phát điện tái tạo từ bã mía của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh tại Tân Châu (Tây Ninh) công suất 12 MW. Hiện tại, Dự án có nhu cầu đầu tư thêm 10 triệu USD để nâng cao công suất lên 40 MW, nhiên liệu sử dụng từ 4,5 kg bã mía/KW điện giảm xuống còn 2 kg bã mía/KW điện. Tuy nhiên, giá thành sẽ tăng cao do phải khấu hao chi phí đầu tư, từ 7,8 UScent/KW lên 9,5 UScent/KW… Để thực hiện dự án trên, doanh nghiệp cần có một chính sách hỗ trợ kịp thời về giá bán điện. Do đó, hiện tại, Dự án vẫn chưa được triển khai.
“Với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vừa được phê duyệt, sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các dự án về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối…”, ông Phạm Văn Quan cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục - Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư các dự án tái chế, tái sử dụng các chất phế thải trong ngành nông - lâm nghiệp, công nghiệp… Bước đầu hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể như xây dựng và ban hành Luật Tái chế, coi chất thải trong nước là tài nguyên, hướng tới giảm thiểu tối đa lượng chất thải phải xử lý bằng cách chôn lấp. Phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại thân thiện với môi trường, nghiên cứu đưa ngành này vào quy hoạch ngành công nghiệp môi trường. Áp dụng công nghệ phân loại, tái chế rác ở các khu đô thị và công nghiệp mới thành năng lượng, vật liệu xây dựng và phân vi sinh. Đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính kỹ thuật để hiện đại hóa hoạt động tái chế… Đến năm 2020, loại bỏ hết các công nghệ cũ lạc hậu, độc hại đối với sức khỏe người lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Olivier Jacquet, Phó chủ tịch cấp cao của Schneider Electric cho biết, với mức giá điện trung bình 6 Uscents/KWh (tương đương 1.200 đồng/KWh) như hiện tại, sẽ không cho phép doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống sản xuất điện năng lượng mặt trời, nhưng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với những chính sách ưu đãi về đầu tư hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời phát triển, sẽ đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
“Sự phát triển của các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, như các công trình xanh, đang góp phần thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời trong các khu vực xây dựng tư nhân. Điều này, không chỉ mở ra nhiều cơ hội đầu tư công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, mà còn cả lĩnh vực dịch vụ”, ông Olivier Jacquet nhận định.