CôngThương - Theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu của khối DN năm 2014 sẽ tăng khoảng 14-15%. Các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ xem xét mức lương cơ bản đối với cán bộ công chức và lực lượng vũ trang tùy theo ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Phân tích của Trung tâm Thông tin & Dự báo Kinh tế -Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho thấy, nếu mức lương tối thiểu tăng chung khoảng 10% trong năm 2014, điều này sẽ tác động mạnh lên giá nhóm giáo dục, tăng gần 6,3%; nhóm thuốc lá, dịch vụ y tế tăng gần 5,77%; nhóm ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,53%. Dựa trên cơ cấu “rổ” hàng hóa, tác động khi tăng lương sẽ khiến dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, trên 2,2%. Nhóm ngành nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,46% và nhóm giáo dục tăng 0,36%. Tăng lương luôn tạo ra biến động mạnh về giá cả các mặt hàng thiết yếu, hiệu ứng tâm lý lan tỏa khá mạnh, nhiều khi giá tăng dồn dập "đón đầu" trước cả khi mức lương mới được áp dụng. Tính toán tác động của tăng lương năm 2013, bà Phó Thị Kim Chi – Phó trưởng Ban Phân tích - Dự báo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia - cho hay, biến động của lương đã giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, tác động của việc tăng lương đến giá cả chung vẫn khá lớn. Lương tăng 1% có thể làm tăng gần 0,5% giá cả chung.
Bà Phó Thị Kim Chi - Phó trưởng Ban Phân tích - Dự báo Trung tâm Thông tin & Dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia: Tính toán dựa trên 11 nhóm ngành hàng trong “rổ” hàng hóa tính CPI, việc tăng lương sẽ tác động mạnh nhất vào mặt bằng giá cả chung của nhóm ngành giáo dục, y tế và dịch vụ ăn uống. |
Ở một góc nhìn khác, việc tăng lương cũng gây sức ép không nhỏ lên lãnh đạo các DN, đặc biệt là DN nhà nước (DNNN). Trước đây, lương bình quân của lãnh đạo, quản lý DNNN khoảng 35-40 triệu đồng/tháng, lương một số DN độc quyền khoảng 60-70 triệu đồng/tháng, thậm chí có trường hợp lên đến 200-300 triệu đồng/tháng. Nhưng những quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP đã thắt chặt cơ chế tiền lương lãnh đạo, quản lý DNNN.
Theo Nghị định 51, mức lương chủ tịch tập đoàn kinh tế là 54 triệu đồng/tháng, tổng giám đốc là 52,5 triệu đồng/tháng. TS. Trần Tiến Cường – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương- cho rằng, chính sách này mang tính hai mặt: Thắt chặt hơn cơ chế tiền lương, nhưng không tạo ra động lực, khuyến khích các lãnh đạo DNNN sáng tạo, đem lại lợi nhuận. “Đây sẽ là thách thức đối với các DNNN” - TS Cường nói.
Tăng lương đồng thời tăng áp lực đầu vào của DN, đặc biệt là DN tư nhân, trong bối cảnh DN năm 2013 có nhiều màu sắc, số DN mới, giải thể, dừng hoạt động đều tăng. Theo TS. Trần Tiến Cường, tính chung 11 tháng đầu năm 2013, cả nước có 71.018 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 359.470 tỷ đồng, khoảng 15 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số vốn đăng ký giảm 15,4%. Thực tế, nhiều DN đã cố trụ lại nhưng do khó khăn quá lâu, thị trường chưa thực sự khởi sắc nên buộc phải dừng hoạt động.
Mục tiêu ổn định vĩ mô trong đó giữ lạm phát thấp vẫn là ưu tiên trong điều hành của Chính phủ. Tăng lương sẽ tác động mạnh lên chỉ số giá tiêu dùng. Bà Chi cảnh báo: “Việc tăng lương theo lộ trình giai đoạn 2014-2015 sẽ làm tăng CPI chung, vì vậy, cần chú ý tác động khi tăng lương, đặc biệt là thời điểm và mức độ ảnh hưởng của chính sách đến giá cả chung và các ngành”.