Sức hút miền thảo nguyên
Sự hội tụ của nhiều cộng đồng đã mang lại cho Mộc Châu một kho tàng các lễ hội đặc sắc. Môi trường sống còn lưu giữ được nét sinh hoạt truyền thống như tại bản Áng (xã Đông Sang); bản Dọi (xã Tân Lập); bản Vặt (xã Mường Sang); điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu trong lành, mát mẻ Mộc Châu còn là địa phương có nhiều sản vật phong phú từ thiên nhiên, như sữa, chè; các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (rau cải mèo, su su, hoa lan, hoa ly); những cánh đồng hoa cải dầu bạt ngàn, các loại cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới (mận hậu, bơ, đào, hồng giòn...). Đây chính là những lợi thế để Mộc Châu khai thác, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) - loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên; bảo tồn văn hóa và môi trường bền vững.
Các bản làng của Mộc Châu nằm trọn trong thung lũng, bốn bề núi đá. Ảnh Nguyễn Nam |
Cách thị trấn nông trường Mộc Châu 30km, để đến bản Dọi phải đi qua nhiều bản làng được bao bọc bởi các đồi chè xanh ngắt, thung lũng mận hoa nở phủ trắng xóa đẹp như tranh. Bản Dọi có gần 293 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái, sinh sống bằng nghề trồng chè và chăn nuôi bò sữa; cư dân chủ yếu sống nhiều thế hệ trong những ngôi nhà sàn to rộng, mộc mạc; bản Dọi còn được ví như miền cổ tích trên thảo nguyên bởi vẻ đẹp hoang sơ hiếm có, nơi chứa đựng nhiều di tích in dấu ấn về lịch sử, văn hóa cộng đồng.
Năm 2010, Công ty Handspan Adventure Travelv và chính quyền Mộc Châu bắt tay triển khai chương trình DLCĐ tại bản Dọi. Ngoài hỗ trợ các hộ làm dịch vụ, Handspan Adventure Travel còn kết nối thị trường khách, nhất là khách nước ngoài. Người dân tham gia làm DLCĐ với nhiều bỡ ngỡ, nhưng háo hức bởi sự tươi mới của ngành công nghiệp dịch vụ.
Các loại hình văn hóa truyền thống bản Dọi vẫn được cộng đồng gìn giữ. Ảnh AOP |
Ông Hà Văn Quyết - Chủ Homestay Quyết bản Dọi - nhớ lại, thời điểm đó, do điều kiện kinh tế hạn chế và làm du lịch là khái niệm quá mới nên các hộ dân e ngại. “Cuối cùng, cả bản có 2, 3 hộ tham gia chương trình, trong đó có gia đình tôi. Với sự cầm tay chỉ việc của Handspan Adventure Travel, chúng tôi bắt đầu bập bẹ làm du lịch, từ cải tạo nhà ở làm chỗ lưu trú, học kỹ năng đón khách, làm hướng viên” - ông Quyết cho hay.
Du lịch như làn gió mới về với bản làng yên bình của Mộc Châu. Chỉ một thời gian ngắn, tác động tích cực nhất như ông Quyết bày tỏ, đó là bà con tự tin tiếp xúc với người lạ; biết cách tiếp thị trực tiếp nông sản địa phương tới du khách; vui nhất là được giao lưu với nhiều nền văn hóa bên ngoài; thu nhập của nhiều hộ cũng được cải thiện hơn. Nhưng, đến năm 2015, Handspan Adventure Travel kết thúc chương trình hỗ trợ, các hộ làm DLCĐ gặp khá nhiều khó khăn, do không có kênh kết nối thị trường, nguồn khách đến bản Dọi vì thế mà bị chững lại.
Người dân bản Vặt vào mùa gieo mạ. Ảnh Nguyễn Nam |
Nằm gần bản Áng, thác Dải Yếm – hai điểm đến nổi tiếng của Mộc Châu, bản Vặt chiếm hơn 90% là đồng bào người Thái cũng gây không ít bất ngờ bởi bản làng này như một nàng sơn nữ chưa được đánh thức, đang lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa độc đáo của các đồng bào Thái, Mông; các đồi nương, vườn mận tươi tốt, trù phú; đặc biệt nơi đây có con suối Tá Văng Hay độc đáo, mùa hè nước lạnh như đá, mùa đông nước ấm như đun… Tuy có lợi thế về phát triển du lịch, nhưng trước năm 2019, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế trọng yếu của cộng đồng bà con dân bản với các cây trồng chủ lực như: ngô, lúa, mận, chè; quanh năm đến bản Vặt chỉ thấy người già, trẻ nhỏ còn người lao động chính hầu như ở trên nương rẫy.
Cư dân bản Vặt chiều chiều quăng lưới bắt cá ven suối. Ảnh Nguyễn Nam |
Khơi thông tiềm năng
30 năm qua, Tổ chức Action on Porverty (AOP) củc Úc – đơn vị chuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ các cộng đồng nghèo khó và dễ tổn thương tạo nên những thay đổi mang tính bền vững tại Việt Nam, thông qua hỗ trợ hơn 250.000 người thuộc các cộng đồng nghèo và còn gặp nhiều khó khăn thông qua 60 dự án trên khắp 35 tỉnh, thành, trị giá hơn 30 triệu đôla Mỹ (khoảng 700 tỷ đồng). Năm 2018, đánh giá được các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Sơn La, AOP quyết định phối hợp với Ban quản lý dự án GREAT tỉnh Sơn La triển khai dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua phát triển DLCĐ” (GROW) tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ trong giai đoạn 2019-2020”.
Bản Dọi là vùng đất trù phú với những đồi chè xanh ngắt. Ảnh Nguyễn Nam |
Mục tiêu của Dự án GROW là: Phát triển mô hình DLCĐ hiệu quả, phù hợp với địa phương, góp phần đảm bảo việc làm và thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số; chia sẻ công bằng lợi ích cho cộng đồng; tạo quyền cho phụ nữ thông qua nâng cao năng lực và tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để nắm bắt được các cơ hội; đóng góp vào các chính sách du lịch của địa phương theo hướng đảm bảo phát triển bao trùm và thúc đẩy vai trò và lợi ích, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Nhịp sống của người dân bản Dọi rất đỗi yên bình. Ảnh Nguyễn Nam |
Theo đó, Dự án GROW tập trung cung cấp một phần vốn vay và hỗ trợ kĩ thuật cho các hộ gia đình cải tạo nhà thành nơi lưu trú (homestay); tập huấn kĩ năng quản lý homestay, ẩm thực, tiếp đón khách, hướng dẫn, và phát triển các dịch vụ du lịch (tuyến đi bộ khám phá, biểu diễn văn nghệ truyền thống, cho thuê xe đạp, xe máy, cung cấp sản vật địa phương...); hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, thu hút khách tham quan, trải nghiệm kết hợp bán nông sản sạch tại vườn; hỗ trợ cộng đồng thành lập, nâng cao năng lực các tổ hợp tác, tổ dịch vụ; cấp vốn và hỗ trợ thành lập các tổ Tài chính Tự quản giúp phụ nữ có kĩ năng quản lý tài chính, gây dựng tài sản và chủ động nguồn vốn cho sinh hoạt của hộ gia đình và đầu tư phát triển sinh kế khác.
Ông Vũ Quang Tuyển - cố vấn kỹ thuật dự án GROW - cho biết, dự án hướng tới phát triển các mô hình DLCĐ bền vững nên trước khi kết thúc sẽ phải xây dựng được một mô hình quản lý, đó là thành lập một doanh nghiệp xã hội do các cá nhân ở địa phương tham gia vào. Doanh nghiệp này sẽ có chức năng quản lý các dịch vụ để đảm bảo chất lượng các homestay, chất lượng các bữa ăn, chất lượng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách.
Các hộ tham gia dự án của AOP rất nhiệt tình trong các buổi tập huấn kỹ năng. Ảnh AOP |
Với định hướng trên, trong thiết kế của dự án, sau 1 năm vay vốn bà con phải tu sửa nhà cửa, từ năm thứ 2, 3 hoạt động có thu nhập thì phải trả 30% và năm cuối là 40% để có thể hoàn trả khoản vay sau 4 năm. “Tuy nhiên, vốn của khoản vay này sẽ không quay về nhà tài trợ mà được giữ lại tại cộng đồng hoặc khi có doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ quản lý rồi lại tiếp tục cho các hộ khác vay để nhân rộng mô hình” - ông Tuyển cho hay.
Tháng 4/2019, AOP bắt đầu khởi động dự án, lựa chọn hộ và hỗ trợ người dân tu sửa cơ sở vật chất. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Tuyển cho biết, so với các địa phương khác, dự án triển khai tại bản Dọi, bản Vặt của Mộc Châu khá thuận lợi vì người dân đã manh nha, tiếp xúc với thị trường khách du lịch, nhận thức về làm du lịch cũng cởi mở hơn, chứ không như ở Đà Bắc (Hòa Bình) để thuyết phục người dân làm DLCĐ rất khó, bởi đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đều có tâm lý lo ngại không thu hồi được vốn.
Cán bộ AOP hướng dẫn bà con tu sửa nhà cửa làm homestay lưu trú. Ảnh AOP |
Ban đầu, theo dự tính của Dự án GROW là chỉ thí điểm cho 6 hộ dân ở bản Vặt làm homestay nhằm nghe ngóng xem nhu cầu thị trường, rồi mới mở rộng tiếp, nhưng bà con đăng ký rất nhiều, lên tới 15 hộ dân. Quá trình triển khai dự án, cán bộ AOP gần như “cắm bản” để cầm tay chỉ việc, hỗ trợ dân bản tu sửa nhà cửa; hướng dẫn cả cách sử dụng hóa chất để vệ sinh sao cho sạch và nhanh, cũng như cách giao tiếp với khách du lịch. “Khó nhất là thuyết phục người dân làm theo ý mình. Ví dụ, cũng là sửa chữa nhà nhưng chúng tôi muốn giữ những nếp nhà truyền thống trong khi bà con lại quan niệm đã sửa là phải sơn màu cho thật lung linh mới là đẹp” - anh Tuyển nói.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tại bản Vặt, bản Dọi được hỗ trợ tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để nắm bắt được các cơ hội. Ảnh AOP |
Dự án GROW đặt mục tiêu dự kiến: Phát triển mới 28 homestay; 5 mô hình du lịch nông nghiệp; giúp 450 phụ nữ DTTS gia tăng thu nhập, 110 phụ nữ có công việc bán thời gian theo mùa, với mức tăng thu nhập các hộ là 7%; 30 hộ gia đình phát triển sinh kế nông nghiệp, tạo nguồn thu ỏn định; 80% người dân tại các điểm DLCĐ được hưởng lợi; 55% có cơ hội tiếp cận thị trường, việc làm, 12 nhóm tài chính tự quản. |
Bài 2: Triển vọng mới