Army Games 2022: Lịch thi đấu của Đội tuyển xe tăng Việt Nam |
Đội tuyển Xe tăng Việt Nam sẽ sử dụng xe màu xanh dương ở lượt trận đầu tiên ở Bảng 1, giai đoạn Vòng đua riêng lẻ là các đội tuyển: Uzbekistan, Kazakhstan, Venezuela. Kíp xe tăng thi đấu lượt đầu tiên của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam ở lượt trận đầu tiên gồm các đồng chí: Đại úy Vương Văn Xếp (trưởng xe), Thượng úy Phan Anh Tuấn (pháo thủ), Trung úy Chu Văn Tùng (lái xe).
Theo quy định của nội dung “Xe tăng hành tiến”, 3 kíp xe của các đội tuyển Việt Nam, Uzbekistan, Kazakhstan và Venezuela sẽ thi đấu 3 trận vòng loại hay giai đoạn Vòng đua riêng lẻ để tính thành tích tổng, lựa chọn các đội có thành tích cao vào vòng bàn kết.
Hình ảnh xe tăng được Đội tuyển Xe tăng Việt Nam sử dụng tại Army Games 2022 (ảnh Phú Sơn) |
Ở giai đoạn thi đấu này, các kíp xe tăng sẽ thực hiện 4 vòng đua để thực hiện các bài bắn pháo chính 125mm, súng máy phòng không 12,7mm, súng máy đồng trục 7,62mm và tăng tốc.
Các đội tuyển xe tăng Uzbekistan, Kazakhstan và Venezuela được coi là đối thủ “vừa sức” đối với đội tuyển của chúng ta. Với các thành tích đạt được tại nội dung này ở các kỳ Army Games, đội tuyển của chúng ta hoàn toàn có cơ hội đạt thành tích cao và lọt sâu trong các giai đoạn thi đấu sau.
Nội dung thi đấu “Xe tăng hành tiến” trong khuôn khổ Army Games 2022 diễn ra từ ngày 13 đến 27-8 tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow. Tham gia thi đấu ở nội dung này có 21 đội tuyển, được chia thành 2 bảng đấu.
Các thành viên của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam quyết tâm giành thành tích cao tại kỳ Army Games năm 2022. Ảnh: Phú Sơn |
Bảng 1 gồm 10 đội: Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Kazakhstan, Nga, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Uzbekistan, Mông Cổ.
Bảng 2 gồm 11 đội: Abkhazia, Armenia, Zimbabwe, Iran, Lào, Mali, Myanmar, Syria, Sudan, Tajikistan, Nam Ossetia.
Năm nay, các đội tuyển thuộc Bảng 1 sẽ thi đấu vòng loại, vòng bán kết (8 đội) và vòng chung kết (4 đội). Trong khi đó, Bảng 2 chỉ thi đấu vòng loại cộng điểm.
Được biết, tại Army Games 2022, Đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã bốc thăm vào số 2 với chiếc xe tăng màu xanh dương.
Hai đội tới từ Trung Quốc và Belarus năm nay sẽ sử dụng xe tăng riêng để tham dự Hội thao quân sự quốc tế Army Games, trong khi các đội tuyển còn lại sẽ được nước chủ nhà Nga cung cấp cho những chiếc xe tăng T-72B3.
Bản vẽ bên ngoài xe tăng T-72B3 được Đội tuyển Xe tăng Việt Nam sử dụng. Ảnh: Army Recognition |
Theo các tài liệu quân sự Nga, T-72 là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ hai được Liên Xô sản xuất và đưa vào sử dụng trong thập niên 1970. Đến năm 2010, giới công nghiệp quốc phòng Nga đã cho nâng cấp các xe tăng phiên bản T-72B lạc hậu thành T-72B3.
T-72B3 dài 9,53m (tính cả nòng pháo), rộng 3,46m, cao 2,2m và nặng khoảng 45 tấn. Kíp chiến đấu của xe có 3 người, gồm trưởng xe, lái xe và xạ thủ. T-72B3 được trang bị động cơ diesel V-92S2F có công suất 1.130 mã lực. Nhờ vậy, xe có thể di chuyển với vận tốc 70 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 500km.
Theo trang Military Today, xe tăng T-72B3 được trang bị pháo nòng trơn 2A46-M5 cỡ nòng 125mm cùng hai súng máy NSV và PKT có cỡ nòng lần lượt là 12,7 x 108mm và 7,62 x 54mm. Để tăng thêm khả năng tiêu diệt mục tiêu đối phương, các nhà sản xuất vũ khí của Nga đã chế tạo đạn xuyên giáp 3BM69 lõi bằng uranium nghèo đủ sức xuyên thủng 1.000mm thép cán đồng nhất.
Để chống lại các tên lửa hoặc vũ khí chống tăng của đối phương, bên ngoài T-72B3 được phủ các tấm giáp phản ứng nổ Kontakt-5, loại được dùng phổ biến trên các xe tăng T-80 hoặc T-90. Còn ở phiên bản nâng cấp của T-72B3 là T-72B3M, thì xe được trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ mới Relikt có khả năng chống lại sức công phá của đạn pháo hoặc tên lửa sử dụng công nghệ đầu đạn nổ lại (Tandem).